Petrolimex (PLX): Năm 2022, lợi nhuận dự kiến giảm 19,2% về 3.060 tỷ đồng

Petrolimex (PLX): Năm 2022, lợi nhuận dự kiến giảm 19,2% về 3.060 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại hội dự kiến tổ chức ngày 8/6 tại Hà Nội.

Theo đó, trong năm 2022, PLX đặt kế hoạch tổng doanh thu 186.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.060 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và giảm 19,2% so với thực hiện trong năm 2021.

Công ty cho rằng năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, ngay trong những tháng đầu năm, thế giới chứng kiến những cú “sốc” về giá dầu, nguồn cung xăng dầu thiếu hụt do chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát. Ở trong nước, nguồn cung xăng dầu của nhà máy lọc dầu chưa ổn định, đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tạo nguồn, tổ chức sản xuất kinh doanh ngành hàng chủ lực, cốt lõi của Petrolimex.

Xét về cổ tức, năm 2021 công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức 12% và bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến vẫn là 12%.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý đầu năm 2022, doanh thu thuần toàn PLX đạt 67.020 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do vốn tăng tới 84% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 18%, xuống 2.777 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của PLX tăng 53%, lên 321 tỷ đồng. Chi phí tài chính theo đó cũng tăng 61%, lên 300 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí bán hàng giảm 5%, xuống 2.298 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp không có thay đổi, đạt 182 tỷ đồng.

Kết quả, Công ty ghi nhận lãi sau thuế 442 tỷ đồng, giảm tới 40% so với quý I/2021; riêng lợi nhuận Công ty mẹ đạt 243,3 tỷ đồng.

PLX cho biết, trong quý I/2022, các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia đã phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương trong nước và thế giới từng bước trở lại nhịp độ bình thường đã làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đáng kể.

Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra đã làm nảy sinh các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) có xu hướng biến động mạnh từ 75,88 USD/thùng tại thời điểm đầu quý, lên 102,07 USD/thùng vào thời điểm cuối quý (tương ứng tăng 35%), có thời điểm đầu tháng 3 lên đến 128 USD/thùng.

Đồng thời, trong quý I, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55 - 80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất, không đáp ứng được sản lượng cam kết theo các hợp đồng (dài hạn) đã ký với các đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, vào các thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng liên tục và duy trì ở mức cao, áp lực về nhu cầu xăng dầu đổ dồn sang Petrolimex. Do đó, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung và đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, PLX phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao từ các nhà cung cấp khác làm cho biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý I/2022 giảm so với cùng kỳ 2021.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/5, cổ phiếu PLX giảm 250 đồng về 40.250 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan