TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.

Phải sửa các luật để đồng bộ với Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 21/6/2023, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, bên cạnh sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, phải sửa các luật khác có liên quan mới quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai.

Trong Luật Đất đai, ông quan tâm điều gì nhất?

Đất đai không chỉ là tài sản, mà còn là tài nguyên quý giá nhất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cả quốc gia. Muốn quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, thì việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, tôi rất quan tâm đến quy định quản lý nhà nước về đất đai.

Mặc dù không thể phủ nhận những tiến bộ trong quản lý, sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, song thực tế, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, sử dụng đất, cả trong các văn bản quy phạm pháp luật, lẫn trong thực thi pháp luật, cũng như trong thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm về tiết kiệm, chống lãng phí, thì vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, như đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa... Khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây, nhưng vẫn chiếm gần 97% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

Vi phạm trong quản lý, sử dụng đất còn xảy ra ở nhiều nơi. Chỉ riêng năm 2022, các cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10.000 ha. Năm 2018, có hàng ngàn dự án chậm triển khai, để hoang hóa đất đai với diện tích lên đến 141.922 ha, qua 4 năm kiên quyết xử lý, nhưng đến nay vẫn còn để hoang hóa 27.968 ha do các dự án đã được cấp phép, nhưng không triển khai thực hiện.

Với đất công sản thì sao?

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, hiện còn nhiều địa phương chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản, phản ánh trên sổ kế toán theo quy định; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; không sử dụng hoặc sử dụng đất, tài sản trên đất chưa hiệu quả, chưa đúng quy định. Một số bộ, ngành chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua nhiều năm; chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước...

Vì vậy, để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, cùng với việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, phải sửa đổi nhiều luật khác cho đồng bộ, như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; Luật Đấu thầu; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Giá... và các luật về thuế.

Việc rà soát, chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ với Luật Đất đai là rất cần thiết và cấp bách. Chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng tùy tiện diễn giải nội dung và vận dụng các quy định pháp luật dẫn đến sai phạm trong quản lý sử dụng đất.

Nhiều luật thuế cũng được xem xét sửa đổi trong thời gian tới. Theo ông, cần phải có quy định gì để chống thất thu ngân sách nhà nước trong việc khai thác nguồn lực đất đai?

Nguồn lực đất đai vô cùng lớn, nhưng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm rất thấp. Vì vậy, Nghị quyết 18-NQ/TW (ngày 16/6/2022) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao đã yêu cầu, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Theo đó, sau khi ban hành Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ sẽ nghiên cứu chính sách điều tiết chênh lệch địa tô; chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế; quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất...

Những nhiệm vụ liên quan đến tài chính đối với đất đai trong Nghị quyết 18-NQ/TW rất phức tạp, nhưng buộc phải làm, vì nếu không sẽ dẫn tới bất bình đẳng, không thể hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Nhiều vụ án đã và sắp đem ra xét xử liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất. Muốn chống tiêu cực trong đấu giá đất thì phải làm thế nào, thưa ông?

Vấn đề này liên quan đến Luật Đấu giá tài sản. Theo quy định hiện hành, có 4 phương pháp đấu giá tài sản, chủ yếu là đấu giá quyền sử dụng đất, gồm đấu giá trực tiếp bằng lời nói, bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến.

Trong đó, đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá là cách thức phổ biến, được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu do đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp bất hợp pháp vào kết quả trúng đấu giá, nhưng hầu như không được sử dụng tại Việt Nam khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Thu ngân sách nhà nước từ đấu giá quyền sử dụng đất rất lớn, vì vậy, để tránh thất thoát, tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước, phải sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó quy định chặt chẽ quy trình đấu giá đất, cách thức đấu giá đất, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất trực tiếp bằng lời nói và đấu giá qua mạng.

Tin bài liên quan