Phải xem xét trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan ban hành các văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ ba, chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

"Nợ" 10 dự án luật

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tính đến tháng 7/2021, còn 18 dự án luật, pháp lệnh thuộc Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp chưa được ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không ban hành 8 luật theo đề nghị của Chính phủ.

Đối với 10 dự án luật, pháp lệnh được các bộ, cơ quan đề xuất tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ và cơ quan liên quan làm rõ sự cần thiết của việc ban hành và đánh giá tác động kỹ lưỡng các chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vào thời điểm phù hợp.

10 dự án này bao gồm các dự án: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp, Luật về Hội, Luật Biểu tình, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Dân số, Luật về Hàm, cấp ngoại giao, Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Bình đẳng giới (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được các cơ quan từ trung ương đến địa phương quan tâm. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, nhất là những văn bản thuộc các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (như thương mại, đất đai, doanh nghiệp, xây dựng...), văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; phát hiện, đề nghị xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, tạo được sự đồng tình trong xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan có thẩm quyền trong việc chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.

Bộ trưởng cũng báo cáo, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Chính phủ, các bộ, các địa phương phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật đặc thù cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nên công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có độ trễ so với tiến độ được phân công.

Kịp thời sửa đổi quy định về phòng chống dịch

Cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo của Chính phủ về hạn chế, bất cập, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp còn chưa đạt kết quả như đã đề ra. Việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội.

Vẫn về hạn chế, cơ quan thẩm cho cũng cho rằng, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Tình trạng pháp luật không được thực thi nghiêm túc còn xảy ra ở một số lĩnh vực như quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công...

Đáng chú ý là vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Báo cáo chưa chỉ ra cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đã thực hiện như thế nào; giải pháp mà Báo cáo nêu ra là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Dẫn con số từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, Bộ Tư pháp đã phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan ban hành các văn bản này.

Ban hành văn bản trái pháp luật thì hậu quả thế nào, nguyên nhân ở đâu, sau đó sửa thế nào, đình chỉ, thay thế ra sao, phải xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nếu không báo cáo xong huề cả làng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tin bài liên quan