Phấn đấu đến năm 2025, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP khoảng 55%

0:00 / 0:00
0:00
Đó là một trong những chỉ tiêu đáng chú ý tại dự thảo về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 vừa được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP.

Dự thảo nghị quyết yêu cầu bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP.

Vẫn giữ chỉ tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp

Về quan điểm, dự thảo nêu rõ, cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kế thừa và phát triển, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính và an toàn tiền tệ quốc gia.

Điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với liều lượng hợp lý, tại thời điểm phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách này với các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do hậu quả của dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Các đại biểu được đề nghị góp ý vào 7 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025.

Một, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Hai, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên.

Ba, bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

Bốn, phát triển mạnh các loại thị trường. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP. Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10 - 15 bậc so với năm 2019. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 40 - 50 bậc; chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc so với năm 2019. Tỷ trọng chi cho KHCN đạt không dưới 1% GDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Năm, phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Sáu, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Bảy, phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Liên quan đến mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, khi thảo luận tại tổ và hội trường, một số vị đại biểu cho rằng khó khả thi. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lúc đó cho biết "sẽ xem xét để báo cáo lại Chính phủ, để xác định cho phù hợp hơn".

Tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế

Về các nhiệm vụ trọng tâm, liên quan đến đầu tư công, tại dự thảo nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao chất lượng thể chế đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, tránh dàn trải, lãng phí.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Quốc hội cũng yêu cầu đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước; tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng vùng động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, giáo dục, y tế, văn hóa, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo đảm cân đối trong phát triển hạ tầng giao thông.

Đã được thảo luận tại tổ và hội trường, kế hoạch này sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào chiều 12/11 tới đây.

Tin bài liên quan