Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội

Pháp nhân có phải chịu trách nhiệm hình sự?

(ĐTCK) Dự thảo Bộ luật Hình sự đang trình Quốc hội cho ý kiến đã buộc pháp nhân là các tổ chức kinh tế phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi thẩm tra Dự thảo bộ luật, có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên.

Đây là dự thảo lần thứ 5, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội chiều 20/5. Dự thảo có nhiều quy định  mới đặc biệt là các quy định quanh các tội kinh tế, chức.

Dự thảo quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội danh. Đó là các tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Nhưng theo Ủy ban tư pháp, những vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Do đó cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Dự thảo loại bỏ tội Kinh doanh trái phép nhưng vẫn có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, mặc dù Luật Doanh nghiệp đã bỏ quy định đăng ký kinh doanh, nhưng theo Luật Đầu tư vẫn còn những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do đó chưa thể phi tội phạm hóa hành vi kinh doanh trái phép, mà cần sửa đổi cho phù hợp.

Về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm, theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo đã cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ bản Ủy ban Tư pháp tán thành đề xuất của Chính phủ, để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh, việc bỏ tội danh này là cần thiết. Các hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế cần được cụ thể hóa thành các tội phạm cụ thể.

Ủy ban Tư pháp thấy cần rà soát để bỏ thêm các tội danh có cấu thành không xác định hành vi phạm tội cụ thể, mà qua thực tế áp dụng đã bộc lộ bất cập, ví dụ như tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, Dự thảo bộ luật còn quy định tội phạm với 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế. Đó là vi phạm quy định về sử dụng điện (Điều 201); làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 216); trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); gian lận bảo hiểm xã hội (Điều 218); gian lận bảo hiểm y tế (Điều 219); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 220); vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 222).

Tin bài liên quan