Pháp tin tưởng EU sẽ đạt đồng thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ

0:00 / 0:00
0:00
EU đã đề xuất một lệnh cấm vận theo giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga nhưng mạng lưới phân phối phức tạp của châu Âu cùng nhiều thách thức khác có thể khiến lệnh cấm vận này khó có thể triển khai.
Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/5, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Pháp Barbara Pompili tin tưởng rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần này sẽ đạt được đồng thuận về cách thức chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Phát biểu trên đài phát thanh France Info của Pháp, Bộ trưởng Pompili nhấn mạnh một số quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga nhiều hơn những nước khác, do đó EU cần tìm ra những giải pháp để những quốc gia này có thể tham gia vào lệnh trừng phạt đối với Nga. Bà Pompili hy vọng EU sẽ có thể làm được điều này.

Trong tuần này, Pháp đã tổ chức cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Năng lượng EU để thảo luận về cách thức ứng phó với quyết định của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì hai nước này không thanh toán bằng đồng ruble.

EU đã đề xuất một lệnh cấm vận theo giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga nhưng mạng lưới phân phối phức tạp của châu Âu cùng nhiều thách thức khác có thể khiến lệnh cấm vận này khó có thể triển khai.

Nếu được nhất trí, lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực sau 6 tháng và sau 8 tháng đối với dầu diesel cũng như các sản phẩm dầu mỏ khác. Hiện các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng quan điểm về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản sẽ gặp khó khăn nếu ngay lập tức thực hiện theo lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU.

Bộ trưởng Hagiuda đưa ra tuyên bố này khi phát biểu với báo giới tại Washington sau cuộc gặp với các quan chức cấp cao Mỹ ngày 4/5.

Trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Hagiuda với Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, hai bên đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Hagiuda đã nhấn mạnh với bà Granholm rằng mỗi quốc gia có tình hình an ninh năng lượng khác nhau và quan điểm của mỗi quốc gia đều quan trọng.

Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, Nhật Bản đã đề nghị Mỹ tăng sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đang cân nhắc cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nước này có tham gia vào những dự án LNG của Mỹ.

Hiện Nga cung cấp 3,6% lượng dầu thô nhập khẩu và 8,8 lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2021.

Tin bài liên quan