Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan triển lãm Đô thị thông minh trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan triển lãm Đô thị thông minh trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020.

Phát triển đô thị thông minh và bài toán thể chế

0:00 / 0:00
0:00
Phát triển đô thị thông minh thực sự là cuộc chơi lớn, cần những người cùng chơi. Và bài toán thể chế đã được lên bàn.

Cuộc chơi lớn từ đô thị thông minh

Phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.

Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.

Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ngày 22/10/2020). Thủ tướng đã nói điều này khi nhắc tới nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang có mặt tại Diễn đàn, cũng với 1.200 đại biểu trong nước và quốc tế.

Có thể thấy cơ hội của giới đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này đang được người đứng đầu Chính phủ gợi ra một cách rõ ràng. Quan trọng hơn, với các đầu việc cụ thể được phân giao, với 6 nội dung chính.

Trước hết, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong CMCN 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Thứ hai, phát triển thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, đồng thời cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Thứ ba, tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.

Thứ tư: Các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.

Thứ năm, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, đó là đô thị có quy hoạch xã hội tốt nhất, giữ dìn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, con người nhân văn.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị.

Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 thu thút sự tham gia của 1.200 đại biểu trong nước và quốc tế
Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 thu thút sự tham gia của 1.200 đại biểu trong nước và quốc tế

... Tìm người chơi cùng tầm

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã nhắc lại một ý trong bài phát biểu của Thủ tướng mà bà cho là sẽ tạo nên những điểm nhấn trong hệ thống chính sách liên quan đến phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Ông cũng nói đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân. UNDP cho rằng, có thể huy động hơn 80% nguồn lực từ tư nhân đầu tư cho đô thị thông minh. Nhưng Nhà nước sẽ phải giữ vai trò điều phối và định hướng cho các nguồn lực đi đúng chỗ, nghĩa là tạo ra động lực, cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào xây dựng các khu đô thị và phát triển mô hình đô thị thông minh”, bà Caitlin Wiesen nói.

Bài học kinh nghiệm của Indonesia trong việc thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp qua hình thức “trái phiếu phát triển xanh” để đầu tư cho các dự án thân thiện với môi trường đã được nhắc đến. Năm 2018, Indonesia trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phát hành trái phiếu “xanh”, tổng số tiền thu được ước tính lên tới 2,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn cũng cho rằng, do bản chất phi truyền thống của mô hình đô thị thông minh, nên sẽ cần nhiều thay đổi để thích ứng.

“Sẽ cần sự tham gia của các ban, ngành, địa phương chứ không thể là một vài bộ, ngành nào”, bà Caitlin Wiesen chia sẻ quan điểm.

Bài toán thể chế

Ngay trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ngày 22/10/2020), ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhắc lại thời điểm cách đây hơn 1 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Tại Nghị quyết 52, Việt Nam xác định rõ xây dựng và phát triển đô thị thông minh là 1 trong 3 nội dung cốt lõi trong chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số). Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50, ngày 17/4/2020 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.

Nhưng đợt sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 52 của Ban Kinh tế trung ương lại diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu.

“Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?”, ông Bình đặt vấn đề.

Khi bàn về vấn đề này, ông Bình đã nhắc tới bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là một cuộc cách mạng về thể chế.

“Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đây đã thúc đẩy sự phát triển nhanh, thậm chí là bùng nổ của lực lượng sản xuất. Điều này làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay hay chúng ta gọi là truyền thống không còn phù hợp nữa, thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển. Do vậy phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế đấy chính là bản chất cách mạng của cuộc cách mạng lần này”, ông nói.

Đặt yêu cầu này trong nội dung xây dựng và phát triển đô thị thông minh, có thể thấy rõ yêu cầu đổi mới thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đang được đặt lên hàng ưu tiên.

Hiện tại, nền tảng pháp luật gồm các văn bản quy phạm, các cơ chế chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam đang được rà soát, hoàn thiện.

Cụ thể đã ban hành một số tiêu chuẩn về phát triển đô thị thông minh (Bộ Khoa học và Công nghệ), khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0, xây dựng bộ chỉ số thông minh đến giai đoạn 2025 (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Các vấn đề đang tiếp tục nghiên cứu gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh; quản lý dự án phát triển đô thị có quy mô lớn ứng dụng giải pháp đô thị thông minh; xây dựng chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long thông minh...

Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, bài toán thể chế còn nhiều đầu mục chưa hoàn tất.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, không có chiếc áo thông minh nào vừa cho tất cả. “Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tới đây cần có chỗ cho đô thị thông minh. Cần có hạng mục cho công nghệ thông tin trong phân bổ ngân sách nhà nước”, ông Bình khuyến nghị. Ông Bình cũng cho rằng, không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này và thành phố thông minh là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội.

Chi tiết hơn, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đề nghị nhận được đất sạch để đầu tư, hành lang pháp lý cho đô thị thông minh. “Trong vòng 8 năm tới, BRG cùng Sumitomo sẽ đóng góp cho Hà Nội một thành phố thông minh xứng tầm”, bà Nga cam kết.

Tin bài liên quan