Dự án Hồng Hà Eco City thường xuyên vướng lùm xùm kể từ khi bàn giao nhà. Ảnh: Dũng Minh

Dự án Hồng Hà Eco City thường xuyên vướng lùm xùm kể từ khi bàn giao nhà. Ảnh: Dũng Minh

PHH: Sa sút nhưng vẫn ... hào phóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh sa sút, báo cáo tài chính liên tục bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ, người mua nhà không hài lòng về chất lượng dịch vụ… là những vấn đề Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam (mã PHH - UPCoM) vướng phải nhiều năm qua.

Ngược chiều kế hoạch thực tế

Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hồng Hà, là doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2004. Với lợi thế là công ty con thuộc Tổng công ty Xây dựng sông Hồng, trong giai đoạn 2007-2010, PHH là một trong những thành viên kinh doanh hiệu quả nhất hệ thống với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đặn ở mức cao.

Thế nhưng, bước sang giai đoạn 2011-2015, kết quả kinh doanh của PHH (Công ty mẹ) bắt đầu lao dốc không phanh, nếu không lỗ (các năm 2011 và 2015) thì lãi cũng chỉ vài trăm triệu đồng (các năm 2012, 2013 và 2014). Kể từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này tiếp tục trồi sụt, lỗ lãi đan xen, cho dù lợi nhuận thu về đã cao hơn giai đoạn trước.

Nhiều nguyên nhân khiến PHH sa sút được chỉ ra, trong đó có “căn bệnh trầm kha” của việc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, đó là sức ì lớn, chậm thích nghi xu thế thị trường... Tuy nhiên, trái ngược với kết quả thực, kế hoạch kinh doanh hàng năm luôn được PHH đặt ở mức cao với tham vọng năm sau phải tăng trưởng cao hơn năm trước, để rồi đến cuối mỗi năm tài chính là nỗi thất vọng tràn trề với các cổ đông.

Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015, PHH đưa ra kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2019 với mức tăng trưởng cao: Tổng doanh thu năm 2015 dự kiến đạt 1.579 tỷ đồng, gấp gần 3 lần kết quả năm 2014 và tăng lên 2.308 tỷ đồng vào năm 2019, tương ứng mức tăng trung bình hơn 11%/năm; lãi trước thuế năm 2015 dự kiến đạt 47 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần năm 2014 và đến năm 2019 tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 15%/năm.

Vậy nhưng, chỉ vài tháng sau khi đặt mục tiêu đầy tham vọng, từ mức lãi hơn 140 triệu đồng năm 2014, Công ty mẹ PHH báo lỗ ròng gần 5 tỷ đồng trong năm 2015, cổ phiếu PHH buộc phải hủy niêm yết trên sàn HNX để chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM khi hàng loạt vấn đề trong báo cáo tài chính bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến bởi không xác minh được tính hiện hữu cũng như khả năng ảnh hưởng tới tính chính xác của báo cáo tài chính.

Trong đó, 2 nội dung lớn nhất là khoản đầu tư dài hạn của PHH vào Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp Việt Lào (tại Việt Nam) và Công ty cổ phần ChacKKa Phanh Mining Group (tại Lào) với số tiền 81,233 tỷ đồng cùng khoản phải thu khác của Công ty Kinh doanh tổng hợp Việt Lào trị giá 61,02 tỷ đồng, chiếm 44,59% giá trị tài sản thuần của PHH tại ngày 31/12/2014.

Thời điểm thực hiện báo cáo kiểm toán 2014, kiểm toán viên cho biết, không xác nhận được số dư công nợ phải thu và số dư khoản tiền đầu tư trên. Đồng thời, PHH cũng không cung cấp báo cáo tài chính của 2 công ty trên tại thời điểm khóa sổ lập báo cáo tài chính năm 2014. Do đó, kiểm toán viên đã không thể khẳng định được tính hiện hữu của khoản đầu tư và phải thu khác. Bên cạnh đó, việc trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư cũng không có cơ sở để xem xét.

Ngoài ra, theo kiểm toán viên, PHH cũng chưa thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với một số khoản phải thu của khách hàng đã quá hạn thanh toán. Các tài liệu mà PHH cung cấp không đủ để kiểm toán ước tính giá trị dự phòng phải trích lập. So với báo cáo mà PHH tự lập, lợi nhuận sau kiểm toán đã “bốchơi” tới 2/3, từ 15,97 tỷ đồng xuống còn 5,7 tỷ đồng, tổng tài sản cũng giảm về mức 845,5 tỷ đồng (giảm 10,25 tỷ đồng) do kiểm toán đã trích lập thêm dự phòng phải thu khó đòi.

Hào phóng cho vay

Sau khi hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX và chuyển sang giao dịch trên UPCoM năm 2014, hoạt động kinh doanh của PHH tiếp đà đi xuống, đỉnh điểm là các khoản lỗ ròng nặng của năm 2017 và 2018, lần lượt là 18,1 tỷ đồng và gần 46 tỷ đồng. Mặc dù sau đó PHH đã báo lãi trở lại các năm 2019 và 2020, lần lượt là 24,7 tỷ đồng và 30,2 tỷ đồng, thế nhưng các kết quả này đều bị kiểm toán viên đặt dấu hỏi do không thể xác định tính chính xác về khả năng thu hồi các khoản đầu tư.

Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính, biên bản họp Hội đồng quản trị số 10/2015/BB-HĐQT ngày 25/12/2015 cho thấy, PHH đã thực hiện ghi nhận 50% giá trị khoản tổn thất đầu tư tương ứng với giá trị 38,51 tỷ đồng vào chi phí quản lý doanh nghiệp để xác định kết quả kinh doanh năm 2015, đồng thời phần còn lại của khoản tổn thất nêu trên được Công ty ghi nhận vào khoản mục chi phí trả trước dài hạn và thực hiện kết chuyển vào kết quả kinh doanh năm 2016 với giá trị 6 tỷ đồng, phần còn lại được ghi nhận vào chi phí trả trước dài hạn cần phân bổ tới năm 2020.

Trong các báo cáo kiểm toán giai đoạn 2016-2020, các đơn vị kiểm toán đều nhấn mạnh không thể thu thập được các bằng chứng để đánh giá tính hiện hữu của các khoản đầu tư nêu trên và không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định các khoản đầu tư này là tổn thất. Do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nêu ý kiến tới khả năng chính xác của báo cáo tài chính, đặc biệt là liên quan đến phần kinh doanh. Cũng chính bởi đơn vị kiểm toán liên tục đưa ra ý kiến ngoại trừ, bao gồm cả báo cáo tài chính năm 2016, cổ phiếu PHH đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 11/8/2017.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tính tới thời điểm 31/12/2020, PHH chưa thu thập được báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020 của Công ty ty Kinh doanh tổng hợp Việt Lào, nhưng cũng chưa xem xét trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính vào doanh nghiệp này.

Liên quan đến doanh nghiệp này, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2020 của PHH, ngoài việc chưa xử lý được khoản tiền đã đầu tư, PHH cũng chưa thu hồi được khoản 55 tỷ đồng cho Công ty Kinh doanh tổng hợp Việt Lào vay từ năm 2010. Hợp đồng quy định thời hạn vay là 31/1/2012, nhưng tới nay quá hạn 9 năm và khoản nợ xấu này chưa được PHH trích lập dự phòng.

Ngoài khoản công nợ trên, PHH còn vướng mắc liên quan khoản phải thu khó đòi hơn 11,3 tỷ đồng trong hợp đồng dây chuyền tuyển nổi quặng đồng với Công ty TNHH Phong Thịnh. Công ty giải trình, đã có thư xác nhận số dư với Công ty Phong Thịnh, nhưng do công nợ có thời hạn dài nên PHH chưa đủ tài liệu xác định giá trị có thể thu hồi để trích lập dự phòng. Như vậy, có thể thấy, nếu trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu, kết quả kinh doanh 2020 của PHH sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Điểm đáng chú ý nữa trong báo cáo tài chính kiểm toán 2020 của PHH, đó là các khoản tạm ứng cho một số cá nhân như ông Cao Tiến Lam Giang (4,92 tỷ đồng), ông Nguyễn Việt Cường (5 tỷ đồng)… chưa được thuyết minh một cách rõ ràng.

Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam đang nắm giữ 63,85% cổ phần tại Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí, chủ đầu tư dự án Hồng Hà Eco City tại Hoàng Mai, Hà Nội. Triển khai từ năm 2015, nhưng kể từ khi bàn giao nhà, dự án thường xuyên vướng lùm xùm do bị khách hàng tố chất lượng dịch vụ chưa tương xứng giá tiền. Cần lưu ý rằng, dự án Hồng Hà Eco City là nguồn sống chính của PHH trong 2 năm qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cạnh tranh thi công các gói thầu xây dựng.

Tin bài liên quan