Phiên chiều 11/12: Nhà đầu tư ôm tiền đứng nhìn thị trường rơi

Phiên chiều 11/12: Nhà đầu tư ôm tiền đứng nhìn thị trường rơi

(ĐTCK) Áp lực bán mạnh gia tăng, trong khi bên mua giữ thái độ thận trọng khiến mọi nỗ lực kéo thị trường hồi phục bị dập tắt, cả hai sàn chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá mạnh, trong khi thanh khoản xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục hồi phục mạnh giúp VN-Index vượt qua mốc tham chiếu. Sau hơn 45 phút củng cố đà tăng, áp lực chốt lời mạnh đã xuất hiện khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Đà giảm càng được nới rộng khi sang đợt khớp ATC.

Đóng cửa, số mã giảm trên sàn HOSE (147 mã) gấp hơn 2 lần số mã tăng (70 mã), chỉ số VN-Index giảm 7,08 điểm (-1,27%) xuống 550,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95,72 triệu đơn vị với tổng giá trị 1.674,38 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ ngày 6/11. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 8,66 triệu đơn vị, trị giá 157 tỷ đồng. Riêng KSA chuyển nhượng 2,62 triệu đơn vị, trị giá 26,22 tỷ đồng, còn SAM thỏa thuận gần 3 triệu đơn vị, trị giá 42,79 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,96%) xuống 84,4 điểm với 120 mã giảm và 69 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,32 triệu đơn vị, mức thấp nhất kể từ ngày 11/8, tổng giá trị tương ứng 713,55 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 25/11. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị với tổng giá trị 24,33 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip là lực cản chính của thị trường khi VN30-Index giảm 6,01 điểm (-0,98%) xuống 604,8 điểm với 19 mã giảm và 6 mã tăng, trong khi HNX30-Index giảm 2,38 điểm (-1,41%) xuống 166,9 điểm chỉ với 4 và 22 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chịu áp lực bán ra và giảm mạnh như: PVD giảm 3,7%, GAS giảm 4,05%, PVS giảm 4,98%, PVC và PGS cùng giảm hơn 6%, PVB chạm sàn đã lan tỏa sang các cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành.

Đáng kể, đà giảm của thị trường còn chịu tác động khá lớn từ cổ phiếu MSN khi chốt phiên đã giảm 3.000 đồng (-3,57%) xuống 81.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hỗ trợ tốt cho đà hồi phục của phiên sáng cũng đã nhanh chóng bị dập tắt, hầu hết đều quay đầu giảm điểm hoặc trở lại mốc tham chiếu, chỉ còn MBB và BID duy trì được sắc xanh với cùng mức tăng 200 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản tiếp tục suy giảm. Đồng loạt các cổ phiếu SSI, HCM, AGR, BSI, cùng FLC, ITA, KBC, HQC… đều nới rộng đà giảm điểm.

Cùng với đó, thanh khoản trong nhóm cổ phiếu bất động sản cũng sụt giảm mạnh. Cặp đôi cổ phiếu thường có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn là FLC và ITA trong phiên hôm nay chỉ khớp lần lượt 6,96 triệu đơn vị và 4,38 triệu đơn vị.

OGC vẫn là điểm sáng của thị trường khi vượt qua các cổ phiếu vua thanh khoản với hơn 8,94 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công và đóng cửa duy trì mức tăng nhẹ 200 đồng (+2,5%). Trong khi đó, cổ phiếu đầu cơ VHG chịu áp lực bán mạnh kéo giảm sàn xuống 12.100 đồng/Cp và khớp 4,82 triệu đơn vị.

Cũng giống sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đua nhau kéo giảm như BVS và SHS cùng giảm 300 đồng, VND và ORS cùng giảm 100 đồng, KLS giảm 200 đồng, APG giảm 500 đồng…

KLF có thêm gần 5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 7,58 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Tuy nhiên, chốt phiên, giá cổ phiếu KLF tiếp tục suy giảm với mức giảm 400 đồng (-3,08%) xuống 12.600 đồng/CP.

Tiếp đó, các cổ phiếu SHB, PVS, PVX và SQC cùng có khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,05 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng 12,9 tỷ đồng trên sàn HNX.

Tin bài liên quan