Phiên chiều 17/12: Áp lực gia tăng, VN-Index mất hơn 7 điểm

Phiên chiều 17/12: Áp lực gia tăng, VN-Index mất hơn 7 điểm

(ĐTCK) Những tưởng nhịp hồi từ nửa cuối phiên sáng sẽ tạo đà cho VN-Index trong phiên chiều, song áp lực đã gia tăng mạnh hơn khiến VN-Index giảm hơn 7 điểm và để tuột mốc 955 điểm - cũng là mức thấp nhất ngày.

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 17/12, VN-Index lóe xanh với sức cầu tốt tại nhóm cổ phiếu penny, trong khi nhóm cổ phiếu bluechips giao dịch cầm chừng. Dù vậy, sắc xanh này không duy trì được lâu khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. VN-Index theo đó lao nhanh về mốc 955 điểm, nhưng tại đây, cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động và chỉ số dần được kéo về mốc 960 điểm trước giờ nghỉ trưa.

Nhịp hồi này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho VN-Index tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch chiều, qua đó ngắt chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, diễn biến đã theo chiều hướng kém tích cực khi áp lực bán gia tăng mạnh hơn với số mã giảm cao gần gấp đôi so với số tăng. VN-Index theo đó giảm hơn 7 điểm và để tuột mốc 955 điểm - là mức thấp nhất ngày, đồng thời là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này.

Ngoài điểm số, thanh khoản cũng là điểm trừ trong phiên giao dịch hnay khi tâm lý dè dặt chi phối hoạt động giao dịch không chỉ trên HOSE, mà cả trên HNX và UPCoM.

Đóng cửa, với 110 mã tăng và 188 mã giảm, VN-Index giảm 7,44 điểm (-0,77%) xuống 954,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 280 triệu đơn vị, giá trị 4.473,86 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng, nhưng giảm 21% về giá trị so với phiên 16/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,38 triệu đơn vị, giá trị 1.143,7 tỷ đồng.

Tại nhóm bluechips, áp lực đã gia tăng trong nửa cuối phiên, góp phần chính khiến VN-Index giảm mạnh. Rổ VN30 chỉ còn 2 mã tăng là MWG và EIB với mức tăng tối thiểu, trong khi có tới 22 mã giảm điểm. VRE là mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số khi giảm 3% về 32.900 đồng. Nhiều mã khác giảm từ 2% là FPT, HPG, POW, HDB…

Về thanh khoản, ROS tiếp tục là vua thanh khoản với 36,76 triệu đơn vị được sang tên và kịp về được tham chiếu 24.000 đồng trong thời điểm cuối phiên. Tiếp đó là HPG với gần 9,9 triệu đơn vị và MBB với hơn 6 triệu đơn vị. Ngoài 3 mã này, rổ VN30 chỉ có thêm 6 mã có thanh khoản từ 1-2 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu thị giá cao giao dịch kém tích cực thì nhóm thị giá thấp tiếp tục là điểm sáng. Trong số 20 mã có thanh khoản cao nhất sàn, thì có tới 15 mã thị giá thấp và đa phần trong đó tăng điểm như FLC, HAI, ASM, HAG, HHS… hay thậm chí tăng trần như DLG, HQC, FIT, SJF…

FLC khớp lệnh sau ROS, đạt 27,63 triệu đơn vị. Đứng thứ 3 là DLG với lượng khớp 19,5 triệu đơn vị. HAI và HQC khớp lệnh lần lượt 9,28 triệu và 8,85 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng với HOSE, nhưng mức độ giảm đã được hạn chế trong cuối phiên khi nhiều mã lớn không còn giảm mạnh.

Đóng cửa, với 55 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,31%) xuống 102,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,59 triệu đơn vị, giá trị hơn 369 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,59 triệu đơn vị, giá trị 113,7 tỷ đồng.

Có 20 mã trong rổ HNX30 không giảm điểm, trong đó PVS, CEO, VGC, SHS, PVS, NVB… đứng giá tham chiếu, trong khi VC3, PVI, DP3, VMC, L14… tăng điểm. Dù vậy, một số mã vốn hóa lớn nhất như ACB, SHB, TNG, NDN, PVS, NTP, DGC… giảm điểm nên tạo áp lực lớn lên chỉ số.

KLF và HUT là điểm sáng trên HNX khi cùng tăng trần và thanh khoản mạnh nhất sàn. KLF khớp 10,94 triệu đơn vị, tăng lên 1.800 đồng. HUT khớp 7,16 triệu đơn vị, tăng lên 2.600 đồng. Ngoài ra, chỉ có thêm 2 mã có thanh khoản cao là SHB với 3,6 triệu đơn vị, PVS với 1,02 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà giảm cũng theo xu hướng mạnh dần về cuối phiên, thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa, với 74 mã tăng và 90 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,37%) xuống 55,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,37 triệu đơn vị, giá trị 160 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 59,5 tỷ đồng.

Mã dẫn đầu thanh khoản và cũng là mã duy nhất đạt lượng khớp triệu đơn vị là BSR giảm 2,3% về 8.500 đồng, khớp lệnh 2,7 triệu đơn vị. Nhiều mã lớn khác cũng chìm trong sắc đỏ như CTR, GVR, VGT, VGI, OIL, VEA…

Đáng chú ý là nhiều mã nhỏ cũng tăng trần như TOP, SDP, PVV, PFL, ILA, VHG…, song thanh khoản không cao.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm điểm, trong đó VN30F1912 giảm 1,07% xuống 868 điểm, khối lượng giao dịch cao nhất với hơn 73.442 hợp đồng được sang tay, khối lượng mở hơn 18.865 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với tổng cộng 28 mã giảm, chỉ còn 7 mã tăng và 3 mã không có giao dịch. Trong đó, CHPG1905 giảm 40,17% xuống 670 đồng/chứng quyền và thanh khoản tốt nhất với 32.241 đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan