Phiên giao dịch chiều 25/3: Nội, ngoại thi nhau xả, 2 sàn rớt thảm

Phiên giao dịch chiều 25/3: Nội, ngoại thi nhau xả, 2 sàn rớt thảm

(ĐTCK) Sau khi gắng gượng để có được sắc xanh nhạt trong phiên sáng, cả 2 sàn đã không chống đỡ nổi trước áp lực chốt lời ồ ạt được tung ra của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong phiên chiều, nên quay đầu giảm mạnh.
Đúng như lo ngại của nhiều nhà đầu tư sau phiên thị trường bất ngờ vọt mạnh với lực lệnh đua mua trong phiên đầu tuần, thị trường đã điều chỉnh trong phiên hôm nay trước áp lực chốt lời mạnh và diễn ra trên diện rộng.

Không chỉ toàn bộ lượng cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên thứ Năm tuần trước được hấp thụ hết, mà phiên giao dịch hôm nay còn phá luôn kỷ lục về thanh khoản vừa được thiết lập cuối tuần trước.

Có nhiều yếu tố khiến thị trường điều chỉnh trong phiên hôm nay. Dấu hiệu mua đuổi trong phiên hôm qua đã phát đi tín hiệu “nguy hiểm”, bởi hàng loạt cổ phiếu không kể tốt xấu đều được kéo lên mức trần, đặc biệt là nhóm chứng khoán, bất động sản, vốn đã nóng ran từ nhiều ngày trước. Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư là lượng hàng khủng được chuyển nhượng trong phiên cuối tuần sẽ được giải phóng trong phiên giao dịch ngày mai (26/3). Do đó, nhiều người đã lo thoát trước, nếu không sẽ quá muộn.

Dấu hiệu chốt lời đã xuất hiện ngay từ phiên sáng nay, tuy nhiên, lực bán mạnh chỉ xuất hiện ở các mã bluechip, trong khi nhóm midcap và penny vẫn hút dòng tiền đầu cơ rất lớn, nên duy trì đà tăng mạnh. Sau đó, nhờ lực mua đỡ giá ở các mã vốn hóa lớn như VCB, MSN, VNM, BVH… nên thị trường hồi dần trở lại và giằng co quanh tham chiếu.

Tuy nhiên, ngay lực bán tăng mạnh, kéo cả 2 sàn lao nhanh, lực chốt lời không chỉ diễn ra ở một số bluechip, mà đã lan ra trên diện rộng khiến sắc đỏ thay thế sắc xanh là sắc màu chủ đạo của cả 2 bảng điện tử.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,7 điểm (-0,94%), xuống 601,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 261,35 triệu đơn vị, giá trị 5.064,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16 triệu đơn vị, giá trị 961 tỷ đồng. HSG có thêm 717.000 đơn vị được chuyển nhượng, nâng tổng khối lượng chuyển nhượng lên 7,261 triệu đơn vị, giá trị 424,77 tỷ đồng. Ngoài HSG, MSN và VNM cũng đóng góp lớn giao dịch thỏa thuận phiên hôm nay.

Tương tự VN-Index, VN30-Index cũng giảm tới 6,57 điểm (-0,95%), xuống 682,75 điểm khi số mã giảm gấp gần 4 lần số mã tăng.

Trên HNX, do HNX-Index tăng mạnh trong thời gian dài, nên khi rơi, chỉ số này cũng rớt mạnh hơn VN-Index. Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 1,87 điểm (-2,01%), xuống 91,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,15 triệu đơn vị, giá trị 1.742 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh. HNX30-Index cũng mất tới 5,21 điểm (-2,71%).

Dù áp lực chốt lời tăng cao, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn nhận thấy cơ hội lớn của thị trường, nên tranh thu gom vào, giúp thanh khoản thị trường xác lập mức kỷ lục mới, phá vỡ kỷ lục vừa được thiết lập cuối tuần trước.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường hiện nay có hơi hướng của năm 2009, khi VN-Index leo thẳng một mạch từ sát 200 điểm lên trên 600 điểm. Vì vậy, những nhà đầu tư thuộc trường phái lạc quan cho rằng, VN-Index hiện sẽ leo lên trên 700 điểm, nên họ không ngần ngại tranh thủ những phiên điều chỉnh để gom vào.

Trong khi đó, những nhà đầu tư ngắn hạn đã nhận thấy cho rủi ro, nhất là lượng cổ phiếu khủng của phiên 21/3 sắp về tài khoản, nên họ phải nhanh chân chốt lãi để chuyển danh mục đầu tư sang các mã khác.

Áp lực chốt lời đã khiến 150 mã trên HOSE giảm giá, trong khi trên HNX con số này là 162 mã.

ITA may mắn giữ được mức tham chiếu với hơn 19,6 triệu đơn vị được khớp. FLC quay về mức giá 15.000 đồng, giảm 700 đồng (-4,46%) với 14,41 triệu đơn vị được khớp.

AGR dù không còn duy trì đà tăng trần, nhưng vẫn giữ mức tăng tốt với 500 đồng (+5,68%) với gần 5,8 triệu đơn vị được khớp.

Một số cổ phiếu nhỏ khác vẫn duy trì được mức tăng trần do tâm lý bên treo mua khá vững, trong khi bên bán cũng không chịu xuống tay khi thấy bên mua kiện trì chặn mua lớn.

Trên HNX, PVX, SHB cũng bị đẩy lùi khá xa, trong đó, PVX về sát mốc tham chiếu 6.800 đồng/cổ phiếu, cũng là mức giá thấp nhất trong ngày, giảm 600 đồng (-8,11%) với 16,58 triệu đơn vị được khớp. Trong khi SHB cũng giảm 600 đồng (-4,96%), xuống 11.500 đồng/cổ phiếu với 14,3 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán, ngoại trừ ORS còn duy trì sắc tím, còn lại đã quay đầu, những mã may mắn thì còn giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều bị nhuốm đỏ.

SHN cũng quay về gần giá tham chiếu với hơn 4 triệu đơn vị được khớp, trong khi phiên sáng còn án ngữ trên mức giá trần 7.800 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh với hơn 9,4 triệu đơn vị, giá trị 607,4 tỷ đồng trên HOSe và gần 3,9 triệu đơn vị, giá trị 51,3 tỷ đồng trên HNX

Tin bài liên quan