Phiên giao dịch chứng khoán sáng 18/10: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 18/10: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nửa đầu phiên thận trọng do ảnh hưởng từ phiên lao dốc đột ngột cuối phiên chiều qua (17/10), lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt trong nửa cuối phiên, giúp giao dịch sôi động và đà giảm của thị trường được hãm lại.

Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường giằng co trong biên độ hẹp gần như suốt phiên khi cả bên bán và bên mua đều tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên trong ít phút cuối phiên chiều, lực bán tháo đột ngột xuất hiện khiến VN-Index lao dốc thẳng đứng xuống vùng 1.120 điểm trước khi kìm lại trong đợt khớp lệnh ATC.

Sau phiên bị “đánh úp” chiều qua, nhà đầu tư càng trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, khiến giao dịch diễn ra chậm và thị trường chưa thể gượng dậy, sắc đỏ vẫn bao trùm bảng điện tử (gấp gần 4 lần sắc xanh). Tuy nhiên, do sự thận trọng của cả bên mua và bên bán nên biên độ tăng, giảm của các mã không lớn, do đó VN-Index cũng không giảm sâu. Ngoài ra, chỉ số này đang có vùng hỗ trợ đường MA200 nên được kỳ vọng sẽ bật hồi kỹ thuật trở lại.

Dù thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng trên bảng điện tử vẫn xuất hiện những điểm sáng, đáng chú ý là con sóng lạ tại BKG. Dù không có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào chính thức được công bố và giao dịch trong biên độ hẹp với thanh khoản đì đẹt trong suốt thời gian qua, nhưng cổ phiếu này bất ngờ dậy sóng trong phiên cả thị trường lao dốc hôm qua khi bật tăng kịch trần lên 4.840 đồng, thanh khoản dù tăng hơn gấp đôi so với trung bình các phiên trước đó, nhưng cũng chưa tới 200.000 đơn vị. Trong phiên sáng nay, BKG tiếp tục leo lên mức kịch trần 5.170 đồng với thanh khoản đột biến, gần 1,28 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Ngoài con sóng lạ BKG, một số mã ít quen thuộc khác cũng nhen nhóm tạo sóng, trong đó có thể kể tới RDP khi cũng leo lên mức trần 11.350 đồng với thanh khoản gần 1,2 triệu đơn vị. Tương tự BKG, trong phiên hôm qua, RDP cũng lội ngược dòng thị trường khi bật tăng mạnh lên mức trần 10.650 đồng với thanh khoản cao nhất 1 tuần. Tuy nhiên, lực mua hôm nay không quá mạnh nên RDP không giữ được sắc tím khi chốt phiên sáng khi đóng cửa tăng 6,1% lên 11.300 đồng, khớp 1,86 triệu đơn vị.

Một mã khác trên HOSE tăng trần sáng nay là CCI nhưng cung cầu quá yếu nên lượng khớp chỉ nhỏ giọt 600 đơn vị với 2 lệnh khớp.

Tuy nhiên, dòng tiền chính vẫn tập trung vào nhóm công ty chứng khoán khi trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay có 3 mã thuộc nhóm này (vị trí thứ 2, 3, 4) là VIX, VND và SSI. Không chỉ thanh khoản, nhóm công ty chứng khoán cũng có giao dịch khá tích cực về giá khi chỉ có 3 mã giảm, 3 mã đứng giá, còn lại đều tăng, bao gồm cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất trên. Trong đó, tăng mạnh nhất là VIX với 5,59% lên 15.100 đồng, khớp 22,4 triệu đơn vị. Tiếp đến là HCM tăng 2,14% lên 28.650 đồng, trong khi VND tăng 1,5% lên 20.300 đồng, khớp 10,11 triệu đơn vị, SSI tăng 1,11% lên 31.800 đồng, khớp 8,27 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng dù có hoạt động yếu hơn, nhưng khi VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ ở đường MA200 (1.110 - 1.112 điểm), dòng tiền lại chảy mạnh vào thị trường, nhất là nhóm ngân hàng trong nửa cuối phiên, đặc biệt là VPB, giúp mã này bật lên trên các mã công ty chứng khoán trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 24,45 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,76% lên 23.100 đồng, mức tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng. Ngoài ra, lực cầu cuối phiên còn kéo thêm 1 mã khác tăng giá, nâng số mã tăng của nhóm này lên 5 so với 3 của nửa đầu phiên sáng; một số trở lại mức tham chiếu.

Trong khi đó, sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm bất động sản với NBB là mã giảm mạnh nhất 4,26% xuống 19.100 đồng; có 6 mã giảm hơn 3%; 7 mã giảm hơn 2%. Tuy nhiên, NVL lại đảo chiều tăng giá cuối phiên, dù mức tăng ở mức khiêm tốn 0,36% lên 13.800 đồng, thanh khoản 8,15 triệu đơn vị, cao nhất nhóm.

Nhóm thép lúc đầu không có mã nào tăng, nhưng khi đóng cửa, có 2 mã cũng kịp có sắc xanh nhạt là NKG và TNI, còn lại đều giảm. Trong đó, mã đầu ngành HPG giảm 0,2% xuống 24.750 đồng, khớp 7,37 triệu đơn vị, cao nhất nhóm.

Nhóm dầu khí được hưởng lợi từ giá dầu thô tăng (được dự báo tăng trong dài hạn), nhưng cũng chỉ tạo sóng được một vài phiên, sáng nay có sự phân hóa rõ nét. Trong đó, PVD tăng 3,52% lên 27.950 đồng, khớp cao nhất nhóm 4,96 triệu đơn vị.

Nhờ dòng tiền chảy mạnh cuối phiên, giúp hãm đà giảm của VN-Index và thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với phiên sáng qua.

Chốt phiên sáng, VN-Index chỉ còn giảm 2,16 điểm (-0,19%), xuống 1.119,49 điểm với 116 mã tăng, trong khi có 340 mã giảm. Tổng khối giao dịch đạt 380,1 triệu đơn vị, giá trị 7.865,7 tỷ đồng, tăng tới 79% về khối lượng và 68% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 59 triệu đơn vị, giá trị 960,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX dù có phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh, nhưng đà tăng yếu dần về cuối phiên và chỉ giằng co trong phiên độ hẹp trước khi đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,03%), lên 230,09 điểm với 39 mã tăng và 116 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,5 triệu đơn vị, giá trị 860,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

SHS vẫn là “vua” thanh khoản trên sàn này khi có khối lượng khớp vượt trội so với phần còn lại. Cụ thể, SHS khớp 13,77 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,09% lên 16.700 đồng. Các mã có thanh khoản tốt tiếp theo chỉ trên dưới 4 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá. Trong đó, PVS tăng 1,58% lên 38.600 đồng, khớp 4,35 triệu đơn vị, CEO tăng 0,53% lên 19.100 đồng, khớp 3,76 triệu đơn vị, MBS tăng 2,45% lên 20.900 đồng, khớp 2,96 triệu đơn vị…

UPCoM cũng chỉ có sắc xanh nhạt trong ít phút đầu phiên sau đó là dao động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian còn lại của phiên và đóng cửa giảm nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,26%), xuống 86,43 điểm với 53 mã tăng và 149 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,7 triệu đơn vị, giá trị 264 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trái ngược với 2 sàn niêm yết, các mã có thanh khoản tốt trên UPCoM đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, BSR giảm 0,95% xuống 20.900 đồng, khớp cao nhất là 3,92 triệu đơn vị; AAS giảm 2,04% xuống 9.600 đồng, khớp 1,09 triệu đơn vị; SBS giảm 1,3% xuống 7.600 đồng, khớp 1,02 triệu đơn vị. Các mã còn lại đều có thanh khoản dưới 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan