Phiên giao dịch sáng 22/4: Chờ dòng tiền quay lại

Phiên giao dịch sáng 22/4: Chờ dòng tiền quay lại

(ĐTCK) Lực cung cắt lỗ tạm thời dừng lại, giúp thị trường phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay (22/4). Tuy nhiên, để đà hồi phục chắc chắn hơn, dòng tiền cần sớm trở lại thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 1 tuần giao dịch đầy sóng gió trước đó trước áp lực xả hàng tăng mạnh, mà nhiều khả năng là do hiện tượng giải chấp. Dù chưa có con số cụ thể, nhưng với tổng giá trị dư nợ margin 20.000 tỷ đồng mà một số công ty chứng khoán trước đó, thì tổng giá trị giao dịch của tuần trước vẫn chưa đủ. Vì vậy, nỗi lo giải chấp vẫn ám ảnh nhà đầu và cũng được nhiều công ty chứng khoán nhắc đến trong bản tin nhận định thị trường cho tuần này và đã được thể hiện trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Dù thị trường bật lên khi chạm mốc hỗ trợ 560 điểm trong phiên sáng, nhưng sang phiên chiều, áp lực bán ra tăng lên đã đẩy cả 2 chỉ số lao thẳng xuống mức thấp nhất ngày và xuyên thủng các mốc hỗ trợ 560 điểm với VN-Index và 79 điểm với HNX-Index.

Sau phiên giảm điểm này, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục tỏ ra lo lắng về xu hướng của thị trường. Trên phương diện phân tích kỹ thuật, tín hiệu xấu vẫn xuất hiện trên đường giá khi các chỉ số được đánh giá là có khả năng về các mốc hỗ trợ mới.  Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán cũng dự đoán, khả năng thị trường sẽ bật trở lại, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, nhưng mức tăng sẽ không nhiều và không vững.

Về thông tin kinh tế vĩ mô, tuần này, thị trường sẽ đón nhận thông tin về CPI. Theo công bố mới nhất, CPI của Hà Nội trong tháng 4 tăng 0,12% so với tháng trước sau khi sụt giảm trong tháng trước. So với cùng khi, CPI của Hà Nội tăng 6,27%, còn so với tháng 12 năm trước, tăng 1,15%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Trở lại với diễn biến thị trường. Bước vào phiên sáng nay, diễn biến của thị trường khá đúng với nhận định của các công ty chứng khoán. Việc lực cung giá thấp bị tiết giảm đã giúp thị trường tăng ngay khi mở cửa phiên, đà tăng của các chỉ số không chỉ nhờ các trụ đỡ chính, mà còn lan sang các mã cổ phiếu vừa và nhỏ khác.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,49 điểm (+0,45%), lên 560,63 điểm với tổng giá trị giao dịch 46,25 tỷ đồng. Tương tự , HNX-Index cũng tăng ngay từ đầu phiên, lấy lại mốc 79 điểm.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng được nới rộng với việc VN-Index vượt qua 562,5 điểm và HNX-Index vượt 79,5 điểm. Tuy nhiên, cũng giống như những nỗ lực trước đó, với việc dòng tiền hỗ trợ quá yếu khiến đà phục hồi của thị trường không duy trì được lâu. Tận dụng đà phục hồi của thị trường, bên nắm giữ cổ phiếu tranh thu đẩy dần bán ra, khiến bên mua nhanh chóng rụt tay, kéo thị trường đảo chiều giảm điểm trở lại và giằng co quanh mốc tham chiếu. Thanh khoản ở mức thấp khi nhà đầu tư chọn cách giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong tài khoản, trong khi bên bán cũng không vội vã bán bằng mọi giá khi nhận thấy lực cầu khá yếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,24 điểm (+0,22%), lên 559,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,78 triệu đơn vị, giá trị 862,59 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận khá lớn với 13,21 triệu đơn vị, giá trị 203,35 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp mạnh nhất là 9 triệu cổ phiếu CTG được sang tay ở mức trần, giá trị 149,4 tỷ đồng và hơn 3,2 triệu cổ phiếu VNG cũng được chuyển nhượng ở mức trần, giá trị 38,84 tỷ đồng. VN30-Index tăng 3,8 điểm (+0,62%), lên 617,47 điểm. HNX-Index không thể duy trì được sắc xanh cho đến hết phiên, bất chấp nhận được sự hỗ trợ của nhóm HNX30. Đứng phiên, HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,22%), xuống 78,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,8 triệu đơn vị, giá trị 317 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,83 điểm (+0,53%), lên 157,35 điểm.

Dù sắc xanh đã xuất hiện nhiều hơn trên bàng điện tử, nhưng đà tăng của VN-Index vẫn phụ thuộc khá lớn với các trụ đỡ như MSN, VCB, VIC. Ngoài ra, phải kể đến các mã lớn khác như HAG, HPG, CTG, MBB, PVD, STB…

CII bất ngờ được kéo tăng mạnh trong phiên sáng nay và tạm dừng phiên sáng ở mức cao nhất phiên 25.500 đồng/cổ phiếu, tăng 600 đồng (+2,41%), nhưng thanh khoản không tốt khi có chưa tới 200.000 cổ phiếu được khớp.

Trong khi nhiều mã hồi phục trở lại, 2 cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền trên sàn HOSE là FLC và ITA tiếp tục giảm điểm khi bên mua không còn đua bắt đáy như 2 phiên trước. Kết thúc phiên, FLC giảm 300 đồng (-2,48%), xuống 11.800 đồng/cổ phiếu với 3,69 triệu đơn vị được khớp. ITA cũng giảm nhẹ 100 đồng với thanh khoản kiểm tốn 2,19 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau khi lao mạnh phiên đầu tuần cũng đã hồi phục trở lại. HCM dù bị hãm đà tăng khá lớn, nhưng vẫn duy trì sắc xanh, tăng 300 đồng (+0,93%), lên 32.500 đồng/cổ phiếu sau phiên bị nện sàn trước đó, SSI cũng phục hồi 100 đồng, lên 26.000 đồng, trong khi AGR và BSI vẫn chịu áp lực bán lớn.

Trong khi đó, các cổ phiếu nhỏ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, trong khi ít ai dám mua vào. VNA, VNH, VID, VPH, VSI, VST, PXM, PXT, CIG, CDC… đồng loạt giảm sàn.

Việc VIC tăng giá trong phiên sáng nay nhờ lớn vào lực cầu ngoại khi khối này mua vào 339.310 đơn vị, chiếm tới gần 73% tổng khối lượng khớp của mã này.

Trên HNX, các mã chứng khoán cũng có sự phục hồi mạnh trở lại đầu phiên với sự dẫn dắt của KLS, VND, SHS, nhưng cũng giống như trên HOSE, các mã chứng khoán trên HNX đã hạ nhiệt dần vào cuối phiên và chỉ còn duy trì mức tăng nhẹ. Trong khi đó, ACB những phiên gần đây luôn giữ giá rất tốt, giúp đà giảm của HNX-Index cũng được hãm bớt.

PVX tăng nhẹ 100 đồng, lên 4.600 đồng với 5,19 triệu đơn vị được khớp, còn SHB đứng ở mức tham chiếu 13.000 đồng với hơn 4,2 triệu đơn vị được khớp.

VCG sau phiên tăng tốt đầu tuần, đã yếu đà trở lại trong sáng nay khi đứng ở mức tham chiếu 14.000 đồng, trong khi SHN bị nện sàn xuống 4.100 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan