Phiên giao dịch sáng 2/4: Thị trường vẫn lao mạnh, PXM tăng trần 15 liên tiếp

(ĐTCK) Tưởng chừng thị trường đã lấy lại được sự cân bằng trong phiên giao dịch sáng nay, nhưng việc bên bán mất kiên nhẫn đã khiến thị trường tiếp tục giảm sâu và lần này mốc hỗ trợ 580 chính thức bị xuyên thủng.

Phiên giao dịch sáng 2/4: Thị trường vẫn lao mạnh, PXM tăng trần 15 liên tiếp

Trong phiên giao dịch chiều ngày 1/4, thị trường đã chứng khiến lệnh bán tháo được kích hoạt và diễn ra trên diện rộng, khiến cả 2 chỉ số lao mạnh. Tuy nhiên, nhờ lực cầu bắt đáy rất tốt, nên đà rơi của VN-Index cũng được hãm lại khi kết thúc phiên.

Dù thị trường giảm mạnh với sự hoảng loạn của bên nắm giữ cổ phiếu, nhưng lực cầu bắt đáy mạnh trong phiên 1/4 cũng báo hiệu tín hiệu vui cho thị trường. Theo nhận định của các công ty chứng, thị trường sẽ điều chỉnh trong phiên hôm nay, nhưng mức giảm mạnh và khi áp lực giải chấp không quá lớn, thị trường sẽ nhanh chóng ổn định trở lại.

Đúng như nhận định trên, thị trường đã nhanh chóng lấy lại thế cân bằng trong phiên giao dịch sáng nay với sự hứng khởi ngay đầu phiên.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,32 điểm (+0,05%), lên 584,17 điểm với tổng giá trị giao dịch 123,4 tỷ đồng, mức cao gấp hơn 2 lần so với các phiên gần đây.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, sự thận trọng đã trở lại với bên nắm giữ tiền mặt, khiến thị trường có những lúc rung lắc, nhưng lực cung giá thấp cũng đã cạn kiệt sau phiên tháo chạy hôm qua, nên diễn biến thị trường dần trở lại tích cực hơn, sắc đỏ cũng dần giảm, nhường chỗ cho màu xanh.

Nhiều mã lớn đã tăng giá, hỗ trợ cho thị trường ổn định tâm lý, chứ không chỉ một vài mã lớn được sử dụng để đỡ chỉ số như mấy phiên trước. Trong đó, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong khi đó, FLC đã có dấu hiệu mệt mỏi sau phiên bơi ngược “dòng lũ” ngày hôm qua.

Trong khi đó, trên HNX, sắc xanh cũng xuất hiện trở lại ở đầu phiên, nhưng sau đó cũng điều chỉnh trở lại và giằng co quanh mốc tham chiếu do sự thận trọng của nhà đầu tư được đặt lên mức cao sau phiên lao dốc mạnh hôm qua.

Thị trường giằng co đến khoảng 11h thì bên nắm giữ cổ phiếu bắt đầu mất kiên nhẫn, nhất là với những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Vì vậy, hoạt động bán tháo lại tiếp tục diễn ra, đẩy thị trường giảm mạnh, ngưỡng hỗ trợ 580 điểm không đủ sức chống đỡ và dễ dàng bị đánh bại, VN-Index lao xuống mức thấp nhất trong phiên. Trên HNX, mốc 86 điểm cũng dễ dàng bị xuyên thủng và mốc 85 điểm cũng đang bị đe dọa.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,88%), xuống 578,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72 triệu đơn vị, giá trị 1.210 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 137 tỷ đồng. Đóng góp chính trong phiên thỏa thuận là VNM và HAG. VN30 cũng giảm mạnh 6,19 điểm (-0,94%), xuống 653,94 điểm khi chỉ có 2 phiên tăng giá, trong khi có tới 24 mã giảm giá.

Trong khi đó, cũng giống như 2 phiên vừa qua, đà giảm của HNX-Index luôn mạnh hơn khi trên sàn không có mã nào đủ sức để đỡ thị trường như trên HOSE. Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 1,41 điểm (-1,63%), xuống 85,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,68 triệu đơn vị, giá trị 483,3 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 2,94 điểm (-1,66%), xuống 173,84 điểm với chỉ 2 mã tăng và 24 mã giảm như VN30.

Dù không còn nhận được sự hỗ trợ của “ngũ đại gia” MSN, VIC, VCB, BID, VNM, nhưng vẫn còn đó DPM và CII, nên đà giảm của VN-Index cũng ít nhiều bị hãm lại. Kết thúc phiên, DPM tăng 300 đồng (+0,71%), lên 42.800 đồng/cổ phiếu với gần 0,66 triệu đơn vị được khớp. Còn CII tăng 400 đồng (+1,56%), lên 26.000 đồng/cổ phiếu với 0,58 triệu đơn vị được khớp.

FLC không chỉ mệt mỏi sau phiên cố gắng bơi ngược hôm qua, mà còn đuối dần về cuối phiên khi đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 13.800 đồng, giảm 400 đồng (-2,82%) với 2,32 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, ITA giữ được mức tham chiếu với gần 7,33 triệu đơn vị được khớp.

VHG vẫn bị bán mạnh và tiếp tục lao nhanh xuống giá sàn trong phiên sáng nay, tuy nhiên, lực mua cũng mạnh hơn nhiều so với phiên hôm qua, nên VHG cũng có lúc thoát được mức giá sàn, nhưng cùng với xu thế bán tháo diễn ra trên thị trường, VHG cũng chịu chung số phận khi lại bị lùi về mức giá sàn 9.900 đồng/cổ phiếu với hơn 3,64 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.

HAG không giữ nỗi đà tăng trước xu hướng giảm của thị trường. Kết thúc phiên sáng, HAG giảm 500 đồng (-1,76%), xuống 27.900 đồng/cổ phiếu với gần 1,6 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm chứng khoán, ngân hàng cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm, nhóm bất động sản cũng có nhiều sắc xanh mắt mèo. Trong khi đó, PXM tiếp tục bơi ngược dòng với phiên tăng trần thứ 15 liên tiếp, từ 1.700 đồng ngày 13/3, lên 3.500 đồng trong phiên sáng nay.

Trên HNX, sau những phút cố gắng gượng đảo chiều, các cổ phiếu dẫn dắt đã chấp nhận quay đầu giảm đồng loạt trước áp lực bán mạnh, kéo HNX-Index giảm sâu. PVX giảm 100 đồng, xuống 6.400 đồng/cổ phiếu với 6,3 triệu đơn vị được khớp; SCR, KLS, VCG cũng giảm giá, trong khi SHB may mắn đứng giá tham chiếu.

Các cổ phiếu chứng khoán ngoài KLS cũng đồng loạt giảm giá, trong đó các mã nhỏ tăng trần thời gian dài trước đó đều đồng loạt giảm sàn như ORS, VIG.

Tin bài liên quan