Phiên giao dịch sáng 26/4: Lặng sóng mùa đại hội

Phiên giao dịch sáng 26/4: Lặng sóng mùa đại hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đang là mùa cao điểm Đại hội cổ đông năm 2023, nhưng dường như không có thông tin đáng chú ý nào để kích thích dòng tiền.

Sau 2 tuần nhập cuộc khá hào hứng nửa đầu tháng 4, dòng tiền đã dè dặt trở lại khiến thị trường lình xình trong biên độ hẹp theo xu hướng giảm kể từ giữa tháng 4 trở lại đây.

Thông thường, mùa Đại hội sẽ có nhiều thông tin quan trọng được đưa ra, qua đó kích thích dòng tiền nhập cuộc để đón sóng. Tuy nhiên, năm nay, dù đang là cao điểm của Đại hội cổ đông, nhưng dòng tiền lại đang hoạt động rất cầm chừng, cho thấy nhà đầu tư không tìm thấy thông tin gì đáng quan tâm ở các đại hội, nên chọn cách đứng ngoài quan sát, khiến thị trường diễn ra khá ảm đạm.

Sau nhịp hồi từ giữa tháng 3, đưa VN-Index từ vùng 1.020 điểm lên vùng 1.080 điểm giữa tháng 4, thị trường điều chỉnh trở lại và kéo dài từ giữa tháng 4 tới nay. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sau chuỗi mua ròng liên tiếp trước đó cũng đã đẩy mạnh chốt lời trong 2 tuần vừa qua, cũng góp phần đẩy thị trường đi xuống.

Không chỉ đang là thời điểm cao điểm của mùa Đại hội cổ đông, tuần này cũng là tuần chốt danh mục của các quỹ ETF, thông thường trước đây thường sẽ có các đợt sóng với hoạt động này, hoặc chí ít thanh khoản cũng gia tăng. Tuy nhiên, hiệu ứng này hiện nay cũng không còn rõ nét.

Trong phiên giao dịch sáng nay, sự thận trọng vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu khiến giao dịch tiếp tục diễn ra ảm đạm, trên bảng điện tử, lực bán đang thắng thế khiến sắc đỏ bao trùm, VN-Index có lúc bị đẩy xuống dưới ngưỡng 1.030 điểm, xuống phía dưới của dải bollinger.

Về các nhóm cổ phiếu, không có nhóm nào đủ sức để lĩnh ấn tiên phong dẫn dắt thị trường hoặc dòng tiền, chủ yếu là giao dịch trong sắc đỏ, nhưng mức biến động cũng không lớn.

Sau khi xuống ngưỡng 1.030 điểm, VN-Index quay đầu trở lại khi nhận được sự hỗ trợ của VNM, GAS khi 2 mã bluechip này có mức tăng trên 1% với các thông tin hỗ trợ: Với GAS là giá dầu được dự báo tăng với kỳ vọng mùa du lịch sôi động trở lại với Trung Quốc, cũng như OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng từ đầu tháng sau, trong khi với VNM là mức cổ tức lớn vừa được Đại hội cổ đông thông qua. Trong đó, GAS tăng 1,4% lên 93.300 đồng, VNM tăng 1,1% lên 70.700 đồng, cũng là 2 mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.

Sắc xanh cũng lan dần trong nhóm VN30 với HDB, PLX, MWG, PDR, TCB, VIB, GVR, SAB, TPB, nhưng mức tăng của các mã này khiêm tốn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm này, VN-Index đã giữ lại được ngưỡng 1.030 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,39 điểm (-0,23%), xuống 1.032,46 điểm với 116 mã tăng và 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 202,6 triệu đơn vị, giá trị 3.560,4 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,4 triệu đơn vị, giá trị 506,5 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, HDB, TCB, VIB, TPB chính là 4 sắc xanh hiếm hoi của nhóm, cùng 4 mã đứng tham chiếu là EIB, LPB, MSB và VCB, trong khi số còn lại đều giảm, nhưng không lớn. Trong đó, có 3 mã giảm hơn 1% là CTG (-1,4%), SSB (-1,5%) và OCB (-1,6%). Hai mã có thanh khoản tốt nhất nhóm là STB khớp 7,07 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,8% xuống 24.8500đồng và SHB với 6,58 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,9% xuống 10.800 đồng.

Nhóm công ty chứng khoán khá cân bằng, trong đó tăng mạnh nhất là BSI tăng 4,7% lên 29.100 đồng. Trong các mã bluechip của nhóm, có VCI tăng 1,7% lên 30.500 đồng, còn lại đều giảm. Trong đó, HCM giảm nhẹ 0,6% xuống 24.450 đồng, VND giảm 1% xuống 14.450 đồng và SSI giảm 1,2% xuống 20.850 đồng. Trong đó, SSI là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 10,15 triệu đơn vị. Tiếp đến là VND khớp 7,28 triệu đơn vị. Hai mã công ty chứng khoán này đứng trên 2 mã ngân hàng STB và SHB về thanh khoản.

Trong nhóm bất động sản, với việc đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với mức lãi kỷ lục 1.400 tỷ đồng trong năm nay, DIG tăng 2,8%, lên 16.650 đồng, khớp 5,89 triệu đơn vị, là mã tăng mạnh nhất và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm. Tuy nhiên, năm ngoái, Công ty này cũng đặt kế hoạch lãi khủng, nhưng kết quả chỉ thực hiện được 10%.

HTN lúc đầu có mức tăng rất tốt, thậm chí có lục lên trần 13.000 đồng, nhưng đóng cửa phiên sáng hạ nhiệt đáng kể, chỉ còn tăng 1,6% lên 12.350 đồng, khớp 1,44 triệu đơn vị. Trong khi đó, NVL giảm nhẹ 0,4% xuống 13.700 đồng, khớp 4,46 triệu đơn vị. Mã giảm mạnh nhất nhóm là NLG giảm 2,3% xuống 30.400 đồng.

Sàn HNX cũng giao dịch lình xình quanh tham chiếu trong nửa phiên sáng, sau đó bị đẩy khá mạnh xuống dưới tham chiếu, nhưng cũng thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,34%), xuống 204 điểm với 42 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,8 triệu đơn vị, giá trị 434,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 43,9 tỷ đồng.

Sáng nay sàn HNX có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó SHS vượt trội với 9,84 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1% xuống 9.700 đồng. Tiếp đến là DDG khớp 5,57 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa kịch sàn 11.000 đồng, còn dư bán sàn tới gần 14 triệu đơn vị. Trong khi đó, CEO lại có mức tăng nhẹ 0,4% lên 23.500 đồng, khớp 1,11 triệu đơn vị.

UPCoM cũng chí có sắc xanh nhạt ít phút đầu phiên, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu và nới rộng dần đà giảm về cuối phiên, nhưng mức giảm cũng không đáng kể.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,35%), xuống 77,72 triệu đơn vị với 86 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,8 triệu đơn vị, giá trị 106,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay sàn UPCoM chỉ duy nhất C4G có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,3 triệu), nhưng đóng cửa giảm 3,4% xuống 11.400 đồng. BSR sáng nay lại khá ảm đạm khi chỉ giao dịch 0,78 triệu đơn vị, đứng sau cả “mã lạ” SNC với 0,81 triệu đơn vị. Đóng cửa, BSR cũng giảm 0,6% xuống 15.700 đồng, trong khi SNC tăng 22,4% lên 18.000 đồng, nhưng cán cân cung cầu không phản ánh chuẩn xác giao dịch khi không còn dư bán, trong khi bên dưa mua cũng chỉ còn 1 lệnh 200 đơn vị ở mức giá 14.000 đồng.

Tin bài liên quan