Phiên giao dịch sáng 5/11: Hốt hoảng

Phiên giao dịch sáng 5/11: Hốt hoảng

(ĐTCK) Nhà đầu tư đã thực sự bị hốt hoảng trong những phút cuối của phiên giao dịch sáng nay khi lực bán đồng loạt được tung ra, kéo cả 2 chỉ số lao mạnh. Nếu thời gian giao dịch không chấm dứt, nhiều khả năng VN-Index cũng mất luôn 590 điểm.

Áp lực chốt lời cuối phiên hôm qua đã kéo thẳng VN-Index xuống dưới mốc 600 điểm. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều CTCK, sau nhịp tăng điểm vừa qua, nhà đầu tư mạnh tay chốt lời là điều dễ hiểu và không có nhiều bất ngờ. Điểm vẫn cần quan tâm đó chính là khối lượng giao dịch vẫn thực sự tốt và cầu mua vào ở những cổ phiếu bluechips khá chủ động. Dù cho bên bán có tạo ra áp lực bán khá mạnh nhưng lực mua giá thấp vẫn duy trì khá chủ động.

Bên cạnh đó, những nhận định kinh tế khả quan cũng có tác dụng tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Lực bán được hạn chế khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, trong khi các mã trụ lớn như GAS, MSN cũng lấy lại đà tăng giúp các chỉ số trên sàn tăng trở lại.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,25 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 1,92 triệu đơn vị, tương đương giá trị 32,24 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng tiếp tục được nới rộng. VN-Index nhanh chóng chinh phục lại mốc 600. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này vẫn chịu ảnh hưởng bởi sự biến động giá từ nhóm cổ phiếu bluechips. Sau 40 phút giao dịch đầu phiên, giao dịch trên sàn dường như chậm lại, độ rộng của thị trường cũng được thu hẹp lại, số mã giảm điểm và tăng không chênh lệch lớn.

Trong nhóm trụ, ngoài MSN vẫn tăng vững 1.500 đồng, GAS, VIC và VNM vẫn lình xình quanh tham chiếu.

Với các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, dầu khí… Hầu hết các mã trong nhóm cũng vẫn lình xình quanh tham chiếu như KBC, ITA, FLC, PVD, PVG, PVT đứng giá.

Riêng HQC và HAG tăng giá với mức tăng lần lượt 300 và 200 đồng/cp, với thanh khoản tốt nhất sàn, đạt 2 triệu và 1,3 triệu cổ phiếu.Trong đó, HAG đang được khối ngoại mua vào nhiều nhất trên HOSE với khối lượng gần 180.000 đơn vị. Có lẽ sức hấp dẫn của HAG thời gian gần đây, ngoài nguyên nhân đến từ kết quả kinh doanh khả quan, có thông tin cho biết, HAG sắp nhận đầu tư từ Quỹ Global Emerging Markets (GEM) – là công ty quản lý quỹ có quy mô 3,4 tỷ USD chuyên đầu tư bào thị trường mới nổi, có trụ sở tại New York và Paris.

Trong khi đó, trên HNX, sắc đỏ vẫn chiếm lĩnh trên cột chỉ số. Sau 50 phút giao dịch, chỉ số sàn này giảm 0,12 điểm (-0,13%) xuống 88,6 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 12,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị 190 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán, VND tăng 300 đồng; KLS tăng 100 đồng; BVS và SHS đứng giá.

SCR tăng 100 đồng, trong khi ACB giảm 100 đồng; PVS giảm 300 đồng.

Thanh khoản trên HNX tập trung lớn vào 3 mã là KLF, FIT và PVX.

Thị trường vẫn giao dịch khá thận trọng trong suốt nửa sau của phiên sáng. Thanh khoản duy trì ở mức khá nhưng tăng chậm, trong khi điểm số, dù duy trì sắc xanh nhưng tín hiệu tăng chưa xuất hiện trên diện rộng.

Tuy nhiên, lực bán bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên, kéo hàng loạt mã đảo chiều, trong đó có nhiều mã lớn đã khiến VN-Index quay đầu lao mạnh và đóng cửa trong sắc đỏ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên HNX và khiến chỉ số này cũng lao mạnh trong mấy phút cuối.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,9 điểm (-0,32%) xuống 596,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.159,58 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,4 triệu đơn vị, trị giá 31 tỷ đồng.

MSN duy trì mức tăng 1.000 đồng so với đà tăng 2.000 đồng đầu phiên. Chiều qua, thông tin từ MSN cho biết, Masan Consumer sẽ tiến hành chào mua công khai 49% lượng cổ phần đang lưu hành của CTCP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food). Giá chào mua công khai là 90.000 đồng/cp với bên mua trực tiếp là Masan Food, doanh nghiệp do Masan Consumer sở hữu 100% vốn. Có lẽ thông tin này đã tác động đến lực mua từ khối này, khi phần lớn khối lượng giao dịch của MSN trong phiên sáng nay đến từ khối này, cũng chính là yếu tố nâng đỡ giá cho MSN.

Trong khi, các mã vốn hóa lớn khác như VNM, VIC cũng giảm điểm, VCB nằm ở tham chiếu.

Đáng chú ý là PVT, trong khi hầu như các cổ phiếu trong nhóm dầu khí đều giảm, PVT tăng 600 đồng với thanh khoản đứng thứ 4 toàn sàn, đạt gần 3,5 triệu cổ phiếu. Lợi nhuận quý III/2014 của PVT đạt hơn 75,5 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ do trong kỳ, PVT có khoản lợi nhuận khác (77,6 tỷ đồng) trong việc thanh lý tài sản cố định tàu kho nổi FSO. Ngoài ra, thông tin cho biết, thương vụ Thai Oil mua lại 20% cổ phần PVT từ PVN đã chốt xong, giữa tháng 11 sẽ công bố thông tin chính thức.

Về thanh khoản, HQC và FLC là 2 mã có thanh khoản tốt nhất, đạt trên 4,6 triệu đơn vị. Tiếp đến là VHG đạt 3,93 triệu. OGC, KBC đều khớp được trên 3 triệu đơn vị.

Trên HNX, diễn biến đảo chiều cũng bị lật ngược ngay khi thị trường đóng cửa phiên sáng. Theo đó, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,39%) xuống 88,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 35 triệu đơn vị, trị giá 506,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,53 tỷ đồng.

Mã đáng chú nhất sàn này là KLF. Khác với những phiên giao dịch trước, dù thanh khoản vẫn tốt những lực mua giá thấp khiến KLF vẫn giao dịch dưới tham chiếu, thì trong phiên sáng nay, lực mua giá cao liên tục đẩy vào theo giá bán, giúp mã này không chỉ tăng về điểm số mà thanh khoản cũng đạt mức kỷ lục, đạt gần 10 triệu cổ phiếu.

Các mã đầu cơ khác như VND, KLS, PVX giao dịch không có nhiều biến động so với đầu phiên.

Tin bài liên quan