Phiên giao dịch sáng 6/1: Tăng ảo

Phiên giao dịch sáng 6/1: Tăng ảo

(ĐTCK) Không biết có thông tin tích cực gì khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh, dù số mã giảm điểm chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Giá dầu sụt giảm không chỉ khiến chứng khoán Âu, Mỹ lao dốc ngay phiên mở đầu năm mới, mà còn ảnh hưởng cả đến chứng khoán Việt Nam.

Trong phiên giao dịch đầu năm mới, dòng tiều đầu cơ vẫn chảy khá mạnh, giúp sắc xanh ngự trị trên bảng điện tử, nhiều con sóng đã xuất hiện trên cả 2 sàn, tuy nhiên, 2 chỉ số chính vẫn đóng cửa trong sắc đỏ khi nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh do ảnh hưởng của giá dầu.

Nhận định về xu hướng của thị trường năm 2015, các nhà quản lý và công ty chứng khoán đều có cái nhìn lạc quan, nhất là năm nay là năm kỷ niệm 15 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong ngắn hạn, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, xu hướng giằng co chưa sớm kết thúc, nhưng đã đến lúc nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh như ngày 5/1.

Dù được nhận định tích cực, nhưng với việc giá dầu mở cửa phiên sáng nay xuống dưới 50 USD/thùng, tâm lý lo sợ vẫn bao trùm nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu dầu khí một lần nữa lại là tác nhân chính kéo thị trường giảm mạnh ngay khi mở cửa.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 5,37 điểm (-0,99%), xuống 539,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,58 triệu đơn vị, giá trị 61,3 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ vẫn bao trùm bảng điện tử. Các mã có tính đầu cơ, được gom mạnh trong 2 phiên cuối năm ngoái và phiên sáng hôm qua tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên sáng nay, sau khi có dấu hiệu chốt lời chiều qua.

Trong khi đó, sau khi xuống dưới 50 USD/thùng, giá dầu đã dần hồi phục trở lại và hiện đang có mức tăng khá, qua đó giúp đà rơi của nhóm cổ phiếu dầu khí trên 2 sàn niêm yết Việt Nam được hãm lại.

Ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, thị trường cũng chứng khiến sắc đỏ ở hơn 100 mã khác, trong khi số mã tăng giá ít hơn 1 nửa. Tuy nhiên, trong số mã có sắc xanh, có sự góp mặt của các mã ngân hàng và một số “ông lớn” như DPM, VIC, MSN, nên VN-Index đã đảo chiều thành công và hiện duy trì quanh mức 545 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index cũng có diễn biến tương tự khi giảm ngay khi mở cửa, xuyên thủng ngưỡng 82 điểm trước khi được kéo ngược trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và một vài bluechip, dù số mã giảm giá nhiều hơn hơn gấp 2 lần số mã tăng giá. Tuy nhiên, lực bán tăng mạnh, cũng như sức mạnh từ nhóm dầu khí khiến HNX-Index đóng cửa trong sắc đỏ.

Đến 10h15, VN-Index tăng 1,68 điểm (+0,31%), lên 546,13 điểm với 55 mã tăng và 131 mã giảm. VN30-Index cũng tăng 2,36 điểm (+0,39%), lên 602,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,6 triệu đơn vị, giá trị 798,87 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,25 triệu đơn vị, giá trị 111,13 tỷ đồng khi có 4 triệu cổ phiếu DLG được sang tay.

HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%), xuống 82,69 điểm với 38 mã tăng, trong khi có tới 110 mã giảm. HNX30-Index giảm 0,04 điểm (-0,02%), xuống 159,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,18 triệu đơn vị, giá trị 324,4 tỷ đồng và toàn bộ là khớp lệnh.

Không hiểu vì nguyên nhân gì, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong phiên sáng nay, gáng vác tốt trọng trách trước sức ép từ nhóm cổ phiếu dầu khí.

Trong nhóm này, ấn tượng nhất vẫn là VCB khi mã này tăng 1.200 đồng (+3,76%), lên 33.100 đồng, tiếp đến là các mã khác như CTG, BID, EIB, MBB, STB cũng đồng loạt tăng từ 1 - 4 bước giá. Trong khi đó, trên HNX, ACB, SHB cũng có sắc xanh, thậm chí NVB còn tăng trần, lên 7.900 đồng. Tuy nhiên, sắc tím của NVB rất nhạt nhòa khi chỉ có 1 lệnh khớp duy nhất, trong khi vẫn chỉ còn dư mua 1 lệnh 100 đơn vị ở mức giá 6.600 đồng, thấp hơn 600 đồng so với tham chiếu, trong khi bên bán còn dư hơn 34.000 đơn vị, trong đó chủ yếu là ở mức giá 7.500 đồng.

Hiện vẫn chưa có thông tin gì có liên quan tác động có thể giúp nhóm cổ phiếu “vua” một thời này đồng loạt khởi sắc sáng nay. Đây là điều khá bất ngờ và đang gây tò mò cho nhiều nhà đầu tư với câu hỏi, phải chăng sắp có thông tin tác động tích cực đến nhóm này và thậm chí là cả thị trường? Nếu đúng như thế, nhiều khả năng sóng lớn sẽ nổi lên và khi đó, những ai dũng cảm vào hàng cuối năm ngoái sẽ có lộc đầu năm.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, góp sức vào đà tăng của VN-Index sáng nay còn có DPM khi tăng 700 đồng (+2,24%), lên 31.900 đồng, MSN, VNM cùng tăng tối thiểu 1 bước giá. Trong khi VIC đóng cửa ở tham chiếu.

Trong khi đó, với việc giá dầu trở lại trên mốc 50 USD/thùng, đà bán của GAS và PVD cũng bị hãm lại, chốt phiên, GAS chỉ còn giảm tối thiểu 500 đồng, đứng ở mức cao nhất phiên 68.500 đồng, trong khi PVD giảm 1.500 đồng (-2,46%), xuống 59.500 đồng.

Ngoài các mã trên, những mã có tính đầu cơ cao, được đẩy giá mạnh những phiên cuối năm và phiên sáng qua như OGC, FLC, VHG, HAI, DLG… không còn giữ được đà tăng mạnh như trước, thậm chí FLC đóng cửa với mức giảm 200 đồng với chỉ hơn 3 triệu đơn vị được khớp, nhưng vẫn dẫn đầu về thanh khoản trên HOSE. Trong khi đó, OGC đứng ở tham chiếu với gần 3 triệu đơn vị được khớp, mã này thậm chí có lúc giảm 3 bước giá về 7.000 đồng.

Trong khi đó, nhóm khoáng sản với 2 mã đáng chú ý là KSH và KSA vẫn duy trì đà tăng tốt, trong đó, KSH tiếp tục có sắc tím và còn dư mua giá trần.

Trên HNX, sau phiên tạo sóng trong phiên hôm qua, PVX và ITQ đều bị bán mạnh và đóng cửa phiên sáng nay trong sắc đỏ, trong đó, ITQ có lúc đã bị kéo xuống mức sàn. Trong khi KLF tiếp tục giảm điểm, nhưng điểm tích cực là lực mua tăng mạnh vào cuối phiên, giúp mã này đóng cửa ở mức cao nhất phiên 10.800 đồng, chỉ còn giảm nhẹ 100 đồng.

FIT và HNM không còn có sắc tím như phiên hôm qua, dù vẫn giữ được đà tăng tương đối tối, trong đó, có thời điểm HNM cũng đã leo lên mức giá trần.

Hai mã dầu khí có tác động lớn trên HNX là PVC và PVS đều đóng cửa với mức giảm 300 đồng. Đóng cửa trong sắc đỏ còn có nhiều mã họ dầu khí khác như PVE, PGS, PVL…

Tin bài liên quan