Phiên giao dịch sáng 8/3: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, VN-Index thu hẹp đà giảm

Phiên giao dịch sáng 8/3: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, VN-Index thu hẹp đà giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng điểm nhưng không thể bứt qua ngưỡng 1.040 điểm, thị trường đã quay đầu điều chỉnh trở lại trong phiên sáng nay khi sắc đỏ đang bao trùm bảng điện tử. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực nửa cuối phiên giúp thị trường thu hẹp đà giảm.

Trong phiên hôm qua (7/3), thị trường tiếp nối đà tăng của phiên đầu tuần với sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, đã có ít nhất 4 lần VN-Index leo lên thử thách mốc 1.040 điểm và đều nhận thất bại. Đặc biệt, trong phiên chiều, có thời điểm chỉ số này đã được kéo qua mốc tâm lý này một đoạn khá xa, nhưng ngay lập tức lực bán đã được tung ra, đẩy VN-Index thoái lui gần 10 điểm, xác lập đáy của ngày, trước khi nảy trở lại trong đợt ATC. Hầu như nhóm ngành nào cũng giao dịch tích cực trong phiên 7/3.

Tuy nhiên, dù thanh khoản có cải thiện hơn so với 3 phiên trước đó, nhưng vẫn đứng ở mức thấp khi tổng giá trị giao dịch chưa thể trở lại mốc 10.000 tỷ đồng.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường nhận tin không mấy khả quan từ bên ngoài khi phố Wall giảm mạnh sau thông điệp sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell. Bước vào phiên sáng nay, các thị trường châu Á cũng đều bị ảnh hưởng và mở cửa trong sắc đỏ, trong đó chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh hơn 2%, còn chứng khoán Nhật Bản sau khi mở cửa trong sắc đỏ đã lấy lại được cân bằng và đảo chiều tăng, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng thu hẹp đà giảm.

Không nằm ngoài lo lắng chung, nhà đầu tư trong nước mở cửa sáng nay cũng đã nhanh tay đặt lệnh bán khiến thị trường điều chỉnh giảm trở lại ngay khi mở cửa phiên. Trên bảng điện tử, số mã giảm chiếm thế áp đảo, gấp 3 lần số mã tăng, tuy nhiên biên độ giảm của các mã không quá lớn, nhất là ở nhóm bluechip, giúp VN-Index không giảm quá đà, vẫn giữ được trên mốc 1.030 điểm.

Trong các nhóm cổ phiếu, sau khi tăng mạnh hơn 5% hôm qua, cổ phiếu MSN tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay với mức tăng hơn 2%, là một trong 2 mã trong rổ VN30 có sắc xanh, ngoài VJC.

Trong khi đó, các nhóm ngành dẫn dắt là bank – chứng – thép, sắc đỏ đều bao trùm khi mỗi nhóm chỉ còn một vài sắc xanh. Nhóm bất động sản, xây lắp, số mã tăng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Dù lực cầu sau đó nhập cuộc khá tốt, nhưng không thể thắng thế trước lực bán mạnh, nên chỉ đủ sức giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, chứ không thể tránh khỏi phiên giảm điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,19 điểm (-0,31%), xuống 1.034,65 điểm với 101 mã tăng và 237 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 191,4 triệu đơn vị, giá trị 3.189,9 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,5 triệu đơn vị, giá trị 133 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, ngoài MSN và VJC, có thêm 5 mã nữa đảo chiều tăng thành công là VPB, VRE, VIC, POW và ACB. Trong đó, MSN vẫn là mã tăng mạnh nhất nhóm với 2,2% lên 80.000 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị. Trong khi VPB đảo chiều tăng 1,4% lên 17.650 đồng, khớp 8,3 triệu đơn vị, cũng là mã có thanh khoản tốt nhất trong nhóm VN30 và cả nhóm ngân hàng. Cặp đôi VRE và VIC cùng tăng 0,8%, còn VJC tăng 1%, POW và ACB chỉ tăng nhẹ 0,4% và 0,2%.

Nhóm ngân hàng ngoài VPB và ACB, cũng chỉ có thêm 2 sắc xanh nữa là EIB tăng 3,6% lên 20.200 đồng và LPB tăng 1,4% lên 14.550 đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, HDB giảm mạnh nhất điều chỉnh 1,9% xuống 18.1500 đồng, tiếp đến là CTG giảm 1,2% xuống 28.650 đồng; BID và MSB giảm hơn 0,8%, còn lại giảm nhẹ. Hai mã đứng giá là STB và OCB.

Nhóm chứng khoán chỉ còn 5 sắc đỏ nhạt, bằng với số mã có sắc xanh, trong khi có 4 mã đứng giá. Tuy nhiên, biến động của nhóm này khá hẹp.

Trong khi đó, nhóm thép đa số chìm trong sắc đỏ, chỉ có sắc xanh nhạt le lói tại TNI. Trong đó, HPG giảm 0,5% xuống 21.000 đồng, khớp 8,08 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trong nhóm sau HSG với 9,9 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 0,9% xuống 15.950 đồng. NKG cũng có thanh khoản tốt với gần 7 triệu đơn vị và cũng giảm 0,3% xuống 16.450 đồng.

Trong nhóm bất động sản và xây lắp, SJS là mã giảm mạnh nhất khi mất 4,6% xuống 43.250 đồng, tiếp đến là DXS giảm 3,4% xuống 6.280 đồng. NVL cũng giảm 1,8% xuống 10.650 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị, PDR giảm 2,2% xuống 11.050 đồng. Trong khi mã tăng mạnh nhất là FCN chỉ tăng 1,8% lên 11.300 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, LCG hôm nay tạo điểm nhấn khi nhận được lực cầu lớn, giúp mã này trở thành mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 10,2 triệu đơn vị và đóng cửa tăng tốt 3,7% lên 12.650 đồng. Ngoài ra, HHV cũng tiếp tục nhận được sự quan tâm với hiệu ứng đầu tư công khi tăng 1,9% lên 13.550 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng chỉ giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên sáng nay và cũng thu hẹp đà tăng trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,44%), xuống 206,59 điểm với 44 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,3 triệu đơn vị, giá trị 587 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng rất lớn, khoảng 50% với 38,7 triệu đơn vị, giá trị 243,8 tỷ đồng.

Sàn này sáng nay chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là PVS, SHS, PVC và CEO, trong đó 2 mã dầu khí tăng giá với PVS tăng 1,1% lên 27.100 đồng, thanh khoản tốt nhất 3,89 triệu đơn vị, PVC tăng 0,6% lên 16.300 đồng, thanh khoản 1,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHS khớp 3,45 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,2% xuống 8.400 đồng, còn CEO khớp 1,19 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1% xuống 20.200 đồng.

UPCoM lại mở cửa với sắc xanh, nhưng sau đó quay đầu giảm khi 2 sàn niêm yết đi xuống. Chỉ số chính của sàn này sau đó giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng đóng cửa cũng không thoát được sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%), xuống 76,03 điểm với 92 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,3 triệu đơn vị, giá trị 140,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

UPCoM sáng nay cũng chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó đứng đầu vẫn là mã quen thuộc BSR với 3,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% xuống 16.500 đồng. Tiếp đến là C4G khớp 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 11.300 đồng; và LMH khớp 1,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,3% lên 4.500 đồng.

Tin bài liên quan