Phiên sáng 18/1: Tiếp tục lao dốc

Phiên sáng 18/1: Tiếp tục lao dốc

(ĐTCK) Cầm cự tốt trong nửa đầu phiên nhờ dòng tiền vẫn chảy mạnh, nhưng trước áp lực bán quá lớn, VN-Index tiếp tục lao dốc về cuối phiên xuống ngưỡng 1.020 điểm.

Sau chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng, với việc VN-Index liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới, thị trường đã chứng kiến đợt bán tháo mạnh trong phiên chiều qua, khiến chỉ số này mất gần 30 điểm. 

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và một số công ty chứng khoán cho rằng, phiên điều chỉnh là cần thiết và dễ hiểu khi thị trường đã tăng nóng thời gian gần đây, bởi diễn biến thị trường vẫn cho thấy lực cầu vẫn duy trì tốt cùng thanh khoản cao.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 18/1, đà giảm cuối phiên hôm qua tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư, chỉ số VN-Index mất hơn 7 điểm ngay khi mở cửa xuống ngưỡng 1.027 điểm.

Dù vậy, lực cầu vẫn đang khá tốt, giúp VN-Index hồi nhanh lại ngưỡng 1.035 điểm. Tưởng chừng như đà hồi phục bắt đầu thì một lần nữa, VN-Index lại lao nhanh xuống 1.027 điểm khi áp lực cung vẫn còn mạnh.

Tuy nhiên, một lần nữa kịch bản cũ lặp lại. Ngay khi lùi xuống vùng này, chỉ số bật ngược trở lại, vọt qua 1.035 điểm nhờ sự hồi phục mạnh của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VRE, VNM, HDB và VN30 có thêm một vài mã hồi phục trở lại.

Kịch bản cũ đã không lập lại, VN-Index chính thức bổ nhào kể cả khi đã lùi về vùng hỗ trợ 1.025 điểm. Chốt phiên giảm gần 14 điểm xuống 1.020,93 điểm.

Chốt phiên sáng 17/1, sàn HOSE có 69 mã tăng và 203 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 13,76 điểm (-1,33%), xuống 1.020,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 164,31 triệu đơn vị, giá trị 4.325,06 tỷ đồng tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và tăng 6,3% về về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 359,5 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn là điểm tựa tâm lý cũng sụt giảm mạnh như SAB (-1,63%, xuống 253.800 đồng), MSN (-3%, xuống 87.500 đồng), GAS (-2,4%, xuống 97.500 đồng), PLX (-3,71%, xuống 83.000 đồng, khớp 1,81 triệu đơn vị), CTG (-3,2%, xuống 24.400 đồng, khớp 3,17 triệu đơn vị), VIC (-3,6%, xuống 81.000 đồng, khớp hơn 1,52 triệu đơn vị), BID (-2,41%, xuống 26.350 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị).

Trong khi số mã tăng chỉ có VNM (+0,7%, lên 202.500 đồng), VCB (+0,36%, lên 56.400 đồng, khớp 1,78 triệu đơn vị) và VRE (+0,73%, lên 55.400 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị).

Nhóm VN30 ngoài VNM và VCB nêu trên, cũng chỉ còn ROS và KDC tăng từ 0,5% đến 0,6% khớp lệnh chưa đến 1 triệu đơn vị. NVL bị đẩy xuống tham chiếu 77.900 đồng/cổ phiếu, khớp 1,58 triệu đơn vị.

Một số mã giảm mạnh là HSG giảm 4,3%, DHG giảm 3,6%, GDM giảm 3%; FPT giảm 2,2%, BVH giảm 2%, CTD giảm 1,9%, MWG giảm 1,3%, HPG giảm 1,3%...

Bị bán mạnh nhất nhóm, đồng thời lớn nhất thị trường vẫn là STB, khi khớp hơn 20,7 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,1% xuống 14.000 đồng/cổ phiếu.

Khớp lệnh từ 2 - 6 triệu đơn vị là SBT (6 triệu đơn vị); SSI (5 triệu đơn vị); MBB (3,2 triệu đơn vị); HPG (3,1 triệu đơn vị)… Các mã này cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu thị trường phiên sáng nay cũng đồng loạt giảm như FLC, HAI, HAG, SCR, HQC, OGC, ASM, IDI…khớp lệnh cũng có từ 2 đến 5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, săc đỏ cũng bao trùm, 27 mã thanh khoản cao nhất sàn không có mã nào tăng. HNX 30 cũng chỉ có 4 mã tăng, 22 mã giảm. Chỉ số HNX-Index cũng chỉ một lần vươn lên trên tham chiếu, trước khi lùi sâu tương tự VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,16 điểm (-0,97%), xuống 119,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 49,2 triệu đơn vị, giá trị 639,17 tỷ đồng, tăng 28,7% về khối lượng và giảm không đáng kể về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có 1,27 triệu đơn vị, giá trị 14,82 tỷ đồng.

Phiên sáng nay, SHB khớp lệnh cao nhất sàn HNX với hơn 17,1 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 0,9% xuống 10.500 đồng/cổ phiếu; ACB giảm 1,3% xuống 38.500 đồng/cổ phiếu, khớp 2,48 triệu đơn vị; PVS giảm 1,1% xuống 27.200 đồng/cổ phiếu, khớp 4,18 triệu đơn vị; DST giảm 8,5% xuống 6.500 đồng/cổ phiếu, khớp 5,18 triệu đơn vị; PVX đứng tham chiếu 2.400 đồng/cổ phiếu, khớp 3,57 triệu đơn vị; HUT giảm 2,7% xuống 11.000 đồng/cổ phiếu, khớp 2 triệu đơn vị.

Các mã khác như VCG, VGC, CEO, PVV, KLF, SHS thanh khoản kém hơn, chỉ từ hơn 600.000 đến gần 1 triệu cổ phiếu được sang tay.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng không thoát khỏi sức ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh về khối lượng giao dịch, cả sàn chỉ có 3 mã có trên 1 triệu cổ phiếu được giao dịch và đều giảm gồm DVN, SBS và HVN.

Trong đó, DVN giảm 7,5% xuống 23.500 đồng/cổ phiếu, khớp 1,37 triệu đơn vị; SBS giảm 10,5% xuống 3.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,18 triệu đơn vị; HVN giảm 4,3% xuống 51.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,1 triệu đơn vị.

Điểm sáng hiếm hoi là PVO, khi cổ phiếu này tăng kịch trần lên 13.600 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 570.000 đơn vị.

Cổ phiếu ACV mất 3% xuống 102.700 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 200.000 đơn vị.

Các mã LPB, VIB, ART, QNS, HNF, MSR, DPG...cũng mất điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,57%), xuống 57,76 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,16 triệu đơn vị, giá trị 107,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có hơn 960.000 đơn vị, giá trị 18,27 tỷ đồng.

Tin bài liên quan