Phiên sáng 22/1: Đứt phanh đột ngột giữa dốc

Phiên sáng 22/1: Đứt phanh đột ngột giữa dốc

(ĐTCK) Đang từ từ leo dốc, VN-Index bất ngờ bị đứt phanh trôi tuột gần 8 điểm do bên bán ra tay quá bất ngờ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,43 điểm (+0,26%), lên 561,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,54 triệu đơn vị, giá trị 61,5 tỷ đồng.

Cũng giống như hôm qua, mọi chú ý của phiên sáng nay lại được dồn vào FLC và ITA. Trong khi ITA tiếp tục là “thỏi nam châm”, thì FLC cũng có sức nóng không kém.

Ngày 21/1/2014, UBCK đã có quyết định chấp thuận phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu của CTCP Tập đoàn FLC. Thời gian thực hiện chào bán là 90 ngày kể từ ngày cấp phép.

Theo phương án đã được ĐHCĐ thông qua năm 2013, FLC sẽ chào bán cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP.

Với mức giá phát 10.000 đồng/cổ phiếu, liệu cổ phiếu FLC có được đẩy lại lên trên mệnh giá?

Dù không thể khẳng định chắc nịch, nhưng ngay sau thông tin phát hành được công bố, cổ phiếu FLC đã được đẩy lên mức giá trần trong phiên 21/1 và tiếp tục có sắc tím trong sáng nay. Hiện FLC đang được giao dịch với mức giá 8.900 đồng/cổ phiếu, được khớp gần 5 triệu đơn vị và còn dư mua hơn 700.000 đơn vị. Nếu giữ được đà tăng này, chỉ cần 2 phiên tăng trần nữa, cổ phiếu FLC sẽ lên mệnh giá.

Trong khi đó, sau khi được khớp tới hơn 14 triệu đơn vị trong phiên hôm qua và còn dư mua trần lớn, ITA tiếp tục có sức hút lớn khi được khớp hơn 14,44 triệu đơn vị trong sáng nay. Tuy nhiên, lượng dư mua trần lúc sáng đã bị vét sạch, kiến ITA đóng cửa ở mức 7.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá trần 1 bước giá. Đây vẫn là mã được khối ngoại gom vào mạnh với khối lượng mua hơn 2 triệu đơn vị.

Ngoài ITA và FLC, các mã nóng trước đó như VHG, KMR, LCG, VNE, MCG, HAR, HQC… gần như đã bị giới lướt lát bỏ qua, nên mức độ biến động trong nhiều phiền gần đây không lớn, thanh khoản cũng èo uột.

Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý IV với mức lãi đột biến 13,3 tỷ đồng, VNH lại được kéo lên mức trần khi không có lực bán ra. Dù thông này không mới khi lợi nhuận chủ yếu đến từ việc bán nhà xưởng, chứ không phải là từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Tuy nhiên, với dân lướt lát, mọi thông tin có thể sử dụng để kiếm lời ngắn hạn, vì vậy, VNH một lần nữa lại được hâm nóng.

Trên HNX, với sự hỗ trợ của nhóm bluechip, HNX-Index vẫn duy trì đà tăng rất tốt. Các cổ phiếu hỗ trợ đà tăng của HNX có thể kể đến như PVS, AAA, LAS, NTP, VCG.

Trong khi đó, tưởng chừng lực chốt lời tháo chạy khỏi SHN đã rụt lại khi thấy lực bắt đáy lớn, nhưng không. Trong phiên sáng nay, lực bán tiếp tục tăng mạnh, đẩy mã này lùi thêm về mức sàn với lượng dư bán giá sàn gần 2,5 triệu đơn vị, trong khi cũng được khớp hơn 1,4 triệu đơn vị.

Ngoài các mã midcap và penny nóng trên, các mã bluechip và largecap vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường trong sáng nay.

BVH, STB sau khi loạng choạng đầu phiên cũng đã lấy lại được đà tăng mạnh vốn có với sự nâng đỡ của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, GAS, MSN, DPM sau phiên giảm điểm do khối ngoại chốt lời cũng đã lấy lại được cân bằng. Tuy nhiên, lúc 10h30 hàng loạt largecap bị bán mạnh, nên cắm đầu đi xuống, khiến VN-Index bật ngờ tuột dốc và phải một lần nữa kết thúc phiên sáng trong sắc đỏ.

Trong các mã bluechip bị bán mạnh đáng chú ý là HPG khi cắm đầu về thẳng giá sàn 50.500 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, MSN, VCB, VIC, PVD, DPM, HAG, GMD… cũng lần lượt chìm trong sắc đỏ khiến VN-Index mất phanh lúc 10h30.

Dù vậy, nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như nhóm khoáng sản, nên đà rơi của thị trường bị hãm lại và dần dần tiến về tham chiếu. Trong khi đó, dù cũng bị hẫng do tác động từ sàn HOSE, nhưng HNX vẫn giữ được sắc xanh khá tốt.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,08 điểm (-0,19%), xuống 558,83 điểm. VN30-Index giảm 1,21 điểm (-0,19%), xuống 632,87 điểm. HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,5%), lên 73,93 điểm. HNX30-Index tăng 1,35 điểm (+0,93%), lên 145,87 điểm.

Do lực bán tăng mạnh, trong khi lực mua treo lúc đầu nhiều, nên thanh khoản trong sáng nay rất khá tốt. Kết thúc phiên sáng, HOSE có 84,49 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 1.484,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng khá sôi động với 4,75 triệu đơn vị, giá trị 233,9 tỷ đồng, với sự có mặt của KDC (3,5 triệu cổ phiếu, giá trị 180,95 tỷ đồng), VNM (215.000 cổ phiếu, giá trị 32,25 tỷ đồng).

Trên HNX, thanh khoản có phần khiêm tốn hơn với 36,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 388,24 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản cũng đáng chú ý trong phiên sáng nay khi bật mạnh trong phiên sáng nay với nhiều mã tăng trần như BGM, KSH, CMI.

SHB và PVS trên HNX vẫn là các mã được khối ngoại gom vào lớn. Ngoài ra, họ còn mua khá mạnh VCG và VND.

Tin bài liên quan