Phiên sáng 25/12: SAB trở lại, VN-Index giữ sắc xanh nhạt

Phiên sáng 25/12: SAB trở lại, VN-Index giữ sắc xanh nhạt

(ĐTCK) Sau 3 phiên giảm sâu, cổ phiếu SAB đã phát tín hiệu hồi phục trong phiên cuối tuần trước và thực sự khởi sắc về giá trong phiên sáng nay, góp phần giúp VN-Index duy trì sắc xanh.

Trong phiên cuối tuần trước, với sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu lớn, VN-Index đã có phiên tăng tốt vào phiên chiều sau khi gặp khó khăn do lực kéo xả trong phiên sáng. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu SAB sau 3 phiên giảm mạnh, trong đó có 2 phiên giảm sàn hôm thứ Ba và thứ Tư (ngay sau kết quả đấu giá thành công), mất tổng cộng gần 18,8%, đã hồi phục nhẹ trở lại.

Tiếp nối đà hồi phục trong phiên cuối tuần trước, SAB thật sự bùng nổ về giá trong phiên sáng nay khi tăng vọt lên 264.000 đồng, trước khi hạ nhiệt trở lại, đóng cửa ở mức 260.300 đồng, tương đương tăng 3,71%. Tuy nhiên, thanh khoản phiên sáng nay rất khiêm tốn khi chỉ có hơn 64.000 đơn vị được khớp.

Ngoài SAB, một số bluechip khác cũng có sắc xanh như VIC, VCB, GAS, BID, PLX, VJC, ROS, BVH, NVL… giúp VN-Index có sắc xanh ngay khi mở cửa, lên sát ngưỡng 960 điểm. Tuy nhiên sau đó, chỉ số này đã bị đẩy mạnh xuống sát mức tham chiếu khi một số mã lớn khác quay đầu như VNM, VRE, MWG, VPB, MBB, DPM, HPG…

Dù vậy, với sự khởi sắc của SAB, VCB, VIC, nhóm dầu khí, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh với thanh khoản vẫn duy trì khá tốt.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,37 điểm (+0,25%), lên 954,69 điểm với 107 mã tăng và 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,84 triệu đơn vị, giá trị 2.229,9 tỷ đồng, giảm 12,2% về khối lượng và giảm tới 60,3% về giá trị. Tuy nhiên, trong phiên sáng cuối tuần trước, thanh khoản đột biến do có giao dịch thỏa thuận VNM tới 16,63 triệu cổ phiếu, giá trị 3.376,44 tỷ đồng. Trong khi sáng nay, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,46 triệu đơn vị, giá trị 564,77 tỷ đồng, với giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra tại ITA với 17,83 triệu đơn vị, nhưng giá trị chỉ là 58,7 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng mở cửa trong sắc xanh và chịu rung lắc đầu phiên như VN-Index, thậm chí HNX-Index đã có lúc chớm sắc đỏ, nhưng với sự khởi sắc của nhóm dầu khí, HNX-Index cũng nỗ lực trở lại trên tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,04%), lên 113,08 điểm với 50 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,91 triệu đơn vị, giá trị 379 tỷ đồng, giảm 13,5% về khối lượng, nhưng giá trị nhỉnh hơn phiên sáng cuối tuần trước chút ít.

Như đã đề cập, trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất HOSE, ngoài SAB là mã tăng mạnh nhất, còn có một số mã khá có sắc xanh như PLX tăng 1,88%, lên 70.300 đồng, GAS tăng 0,75%, lên 93.800 đồng, ROS tăng 0,62%, lên 163.000 đồng, VCB tăng 0,59%, lên 51.100 đồng, VIC tăng 0,4%, lên 75.900 đồng. Trong khi đó, sắc đỏ xuất hiện tại VNM (-1,03%, xuống 200.800 đồng), VRE (-1,67%, xuống 47.000 đồng), CTG (-0,45%, xuống 22.200 đồng).

Trong top 20 cũng có sự phân hóa khi sắc xanh xuất hiện tại VJC, BVH, NVL, FPT, trong khi sắc đỏ xuất hiện tại MSN, VPB, MBB, MWG…

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, FLC và FIT là 2 mã có thanh khoản tốt nhất, nhưng cũng không quá nổi trội khi được khớp hơn 3 triệu đơn vị mỗi mã. Cả 2 đều có sắc xanh, trong đó FLC tăng 0,86%, lên 7.060 đồng, còn FIT tăng 2%, lên 9.180 đồng.

Cổ phiếu gây ấn tượng sáng nay là CMG khi tăng trần lên 34.000 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và vẫn còn dư mua giá trần. Trong khi đó, CDO lại giảm sàn xuống 2.320 đồng với gần 1,1 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 114.000 đơn vị.

Tương tự, trên HNX, trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất cũng có sự phân hóa, trong khi PVS khởi sắc với mức tăng 4,09%, lên 22.900 đồng với 5,5 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX, thì VCG giảm 1,82%, xuống 21.600 đồng, NTP giảm 1,52%, xuống 71.500 đồng và VPI giảm 1,1%, xuống 35.800 đồng. Các mã còn lại chỉ đứng giá tham chiếu hoặc tăng nhẹ, trong đó 2 mã ngân hàng là ACB và SHB đứng giá tham chiếu.

Các mã thị trường trên sàn HNX cũng có sự phân hóa rõ nét, trong khi sắc tím xuất hiện tại ACM, BII, HKB, thì sắc xanh mắt mèo lại xuất hiện tại MST, PIV và DST.

Trái ngược với 2 sàn niêm yết, UPCoM-Index lại giảm 0,45 điểm (-0,82%), xuống 54,25 điểm với 3,51 triệu đơn vị được khớp, giá trị 77,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 831.600 đơn vị, giá trị 17,5 tỷ đồng.

Đà giảm của UPCoM-Index chủ yếu do ảnh hưởng của các mã lớn như SDI, MCH, GEX, DVN, HVN, LPB, VIB, ACV. Trong đó, GEX và DVN là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 905.900 đơn vị và 509.800 đơn vị. Đóng cửa, GEX giảm 1,59%, xuống 24.700 đồng, DVN giảm 3,98%, xuống 19.300 đồng. 

Tin bài liên quan