Phiên sáng 4/11: Dòng bank thế chân nhóm Vin, VN-Index tiếp tục bứt tốc

Phiên sáng 4/11: Dòng bank thế chân nhóm Vin, VN-Index tiếp tục bứt tốc

(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu họ Vin - lực đỡ chính cho phiên bứt tốc cuối tuần qua của VN-Index hạ nhiệt, thì nhanh chóng đã có nhóm cổ phiếu ngân hàng thế chân, giúp chỉ số này duy trì đà tăng tốt trong phiên sáng nay (4/11).

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, cũng là đầu tiên của tháng 11, VN-Index bất ngờ bùng nổ khi tăng tới 16,77 điểm để vượt qua mức đỉnh của năm, lên trên ngưỡng 1.015 điểm. Không chỉ bùng nổ về điểm số, thanh khoản của thị trường cũng tăng mạnh so với các phiên trước đó.

Phiên bùng nổ của thị trường trong ngày giao dịch đầu tháng 11 đến từ sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu họ Vin sau kết quả kinh doanh ấn tượng và thông tin Vinhomes (VHM) đăng ký mua vào hơn 60 triệu cổ phiếu quỹ, sau đó lan rộng ra thị trường, kích thích dòng tiền chảy mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu FLC lại tiếp tục bị bán tháo ồ ạt phiên thứ 2 liên tiếp với dư bán sàn lên tới cả chục triệu đơn vị sau thông tin Công ty hủy đợt phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu được chốt danh sách ngày 24/10 khi thời gian đăng ký mua chưa kết thúc (thời gian đăng mua từ 1/11 - 21/11).

Bước vào phiên giao dịch hôm nay, dư ấm của phiên bùng nổ cuối tuần trước giúp VN-Index bật lên chinh phục ngưỡng 1.020 điểm ngay đầu phiên. Tuy nhiên, lực bán chốt lời cũng gia tăng ở nhiều mã, khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy lại xuống sát mốc tham chiếu, nhưng cũng đã kịp nảy trở lại khi chưa chạm điểm xuất phát.

Diễn biến của VN-Index trong nửa đầu phiên sáng khi tương đồng với nhóm Vin, cũng như VN30 nói chung.

Tuy nhiên, trong khi đà tăng của nhóm cổ phiếu Vin đã hạ nhiệt, trong đó VIC và VRE giảm giá, thì thị trường lại nhận được sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng khi đồng loạt tăng điểm khá tốt. Cùng với đó là GAS, MSN, FPT và POW. Trong đó, sự bứt phá của VCB đã giúp VN-Index bứt mạnh trở lại sau ít phút rung lắc và đóng cửa ở mức cao gần nhất phiên. Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện khi tâm lý nhà đầu tư đã dần được tháo gỡ.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,31 điểm (+0,62%), lên 1.021,9 điểm với 148 mã tăng và 166 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121,3 triệu đơn vị, giá trị 2.561 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 5,6% về giá trị so với phiên giao dịch sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,56 triệu đơn vị, giá trị 282,7 tỷ đồng.

Như đã nói, trong khi nhóm cổ phiếu họ Vin hạ nhiệt với việc VHM chỉ còn tăng 0,11% lên 95.300 đồng, còn VIC giảm 0,57% xuống 121.800 đồng và VRE giảm 0,14% xuống 35.000 đồng, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nhanh chóng thay thế vị trí dẫn dắt đà tăng của thị trường.

Trong đó, giao dịch khởi sắc nhất là VCB với mức tăng 3,27% lên 91.700 đồng với 0,56 triệu đơn vị được khớp lệnh. Thông tin mới nhất liên quan tới Vietcombank là ngân hàng này vừa khai trương Văn phòng đại diện tại Mỹ (trụ sở văn phòng đặt tại New York).

Ngoài ra, còn phải kể đến BID tăng 2,68% lên 42.100 đồng, mức cao nhất phiên với 1,22 triệu đơn vị được khớp. TCB tăng 1,89% lên 24.200 đồng, cũng là mức cao nhất phiên với 2,39 triệu đơn vị được khớp. CTG tăng 1,57% lên 22.650 đồng với 3,53 triệu đơn vị được khớp. MBB tăng 1,31% lên 23.250 đồng với 4,2 triệu đơn vị. VPB tăng 1,16% lên 21.750 đồng với 1,35 triệu đơn vị. HDB cũng đảo chiều có sắc xanh, đóng cửa ở mức cao nhất phiên. STB cũng tăng 0,92% lên 11.000 đồng với 4,47 triệu đơn vị. Chỉ có EIB và TPB đi ngược xu hướng chung của nhóm.

Ngoài ra, phải kể đến MSN tăng 0,92% lên 76.400 đồng, GAS tăng 1,24% lên 105.800 đồng, SAB tăng 0,38% lên 261.000 đồng, FPT tăng 2,22% lên 59.800 đồng, POW tăng 2,21% lên 13.850 đồng… Trong khi đó, VNM, VJC, HPG, HVN lại giảm giá, nhưng mức giảm không lớn.

Về nhóm cổ phiếu thị trường, sau 2 phiên bị bán tháo ồ ạt sau thông tin hủy đợt phát hành cổ phiếu, cổ phiếu FLC đã nổi sóng trở lại trong phiên sáng nay khi được kéo lên mức trần 4.810 đồng từ khá sớm. Sau khi chịu áp lực cung khá mạnh, lùi lại ngưỡng 4.740 đồng, FLC sau đó lấy lại đà tăng mạnh. Dù không thể lấy lại được mức trần, nhưng chốt phiên, FLC tăng 6,22% lên 4.780 đồng với 10,44 triệu đơn vị được khớp.

Tuy nhiên, mã có thanh khoản lớn nhất sàn HOSE sáng nay là ROS - người anh em của FLC   với 11,14 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,98%.

Trên HNX, diễn biến HNX-Index cũng tương tự VN-Index khi tăng mạnh lúc mở cửa, sau đó hạ nhiệt do áp lực chốt lời ở một số mã, nhưng nhanh chóng lấy lại đà tăng lên mức cao nhất phiên trước khi hạ nhiệt nhẹ ít phút cuối phiên. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,89 điểm (+0,84%), lên 106,64 điểm với 46 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,28 triệu đơn vị, giá trị 200 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,16 triệu đơn vị, giá trị 33,85 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, đà tăng mạnh của HNX sáng nay nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng. Trong đó, ACB tăng 1,65% lên 24.600 đồng với 2,73 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX. SHB tăng mạnh 3,03% lên 6.800 đồng với 2,15 triệu đơn vị được khớp. Đây là 2 mã hiếm hoi có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên sàn HNX sáng nay. Trong khi đó, NVB lại đứng giá tham chiếu 9.200 đồng.

Ngoài 2 mã ngân hàng trên, HNX còn được hỗ trợ của VCS khi tăng 0,46% lên 86.600 đồng, PVS tăng 1,08% lên 18.800 đồng. Trong khi gặp lực cản từ VCG khi giảm 0,75% xuống 26.600 đồng, PVI giảm 0,31% xuống 32.100 đồng, CEO giảm 1,05% xuống 9.400 đồng…

Diễn biến trên thị trường UPCoM cũng giống 2 sàn niêm yết khi UPCoM-Index tăng tốt ngay từ đầu, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu, nhưng nhanh chóng bứt tốc trở lại lên mức cao nhất phiên trước khi hạ nhiệt nhẹ trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,33%), lên 56,41 điểm với 70 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,86 triệu đơn vị, giá trị 137 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,45 triệu đơn vị, giá trị 32 tỷ đồng.

Trên thị trường sáng nay chỉ có duy nhất BSR khớp trên 1 triệu đơn vị. Cụ thể, chốt phiên, BSR khớp 3,65 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,09% lên 10.000 đồng.

Tin bài liên quan