Phiên sáng cuối tuần 11/3: HNG tạo sóng, VN-Index ngấp nghé mốc 580 điểm

Phiên sáng cuối tuần 11/3: HNG tạo sóng, VN-Index ngấp nghé mốc 580 điểm

(ĐTCK) Sau những phút đầu rung lắc do áp lực chốt lời, VN-Index do chịu áp lực từ các mã lớn, VN-Index đã trở lại đà tăng, tiến tới gần mốc 580 điểm khi dòng tiền vẫn hoạt động tích cực. Trong phiên sáng nay, tâm điểm chú ý vẫn là HNG khi mã này tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp với lượng khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Thị trường hôm qua (10/3) đã có phiên tăng khá tốt với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí, cao su hay bất động sản, trong khi nhóm cổ phiếu lớn lại là lực cản chính khiến thị trường không thể bay cao hơn.

Dư âm của phiên tăng này được duy trì sang đầu phiên giao dịch sáng nay (11/3).

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,21 điểm (+0,04%) lên 576,12 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 5,13 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 55,54 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi mà đa phần các mã lớn vẫn chịu sức ép và giữ sắc đỏ, nên sắc xanh của thị trường ở đầu phiên nhanh chóng qua đi. Các mã vốn hóa lớn như GAS, VNM, MSN, VIC hay các bluechips là MBB, HCM, EIB… đều đồng loạt giảm điểm.

Trong khi đó, sự tập trung của thị trường vẫn đang dồn vào một số mã cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng kể nhất là HNG.

HNG bắt đầu nóng kể từ đầu tuần, sau thông tin được FTSE ETF chính thức đưa vào danh mục trong kỳ tái cơ cấu lần này. Trong khi các mã khác cũng được thêm vào danh mục lần này như HQC, ASM, PGD, HHS chỉ nổi sóng nhẹ 1 phiên, còn lại chủ yếu là lình xình, thậm chí giảm giá, thì HNG lại liên tục được tăng nóng.

Sáng nay, HNG tăng kịch trần lên 9.000 đồng/CP ngay từ khi mở cửa. Dù sau đó có sự rung lắc quanh mốc trần này bởi lượng cung lớn, song với sức cầu mạnh, sắc tím của HNG vẫn đang được duy trì. Chỉ sau hơn 1 tiếng giao dịch, đã có hơn 8,49 triệu đơn vị HNG được sang tay.

Trong khi đó, HAG lại có sức cầu lại không quá mạnh, nhưng cũng đủ để giữ cho mã này có mức tăng tối thiểu và có thanh khoản tương đối cao là 3,76 triệu đơn vị.

Thông tin đáng chú ý liên quan đến cặp đôi này chính là việc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), công ty mẹ của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), vừa công bố đã bán xong 5,82 triệu cổ phiếu HNG trong tổng số 6 triệu cổ phiếu đăng ký bán. Giao dịch này được thực hiện bởi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhằm giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay, thông qua phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 1/3 - 4/3.

Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất lại không nằm tại vấn đề bán giải chấp, mà là vấn đề sở hữu của HAG.

Cụ thể, sau giao dịch trên, HAG giảm tỷ lệ ở hữu tại HNG từ 77,51% xuống còn 76,69%, tương ứng hơn 543 triệu cổ phiếu HNG. Trong khi đó, theo báo cáo quản trị năm 2015 của HNG, HAG sở hữu hơn 563 triệu cổ phiếu HNG, tương ứng tỷ lệ 79,52%.

Hiện vẫn chưa rõ bên nào đã nhận chuyển nhượng 14 triệu cổ phiếu HNG từ HAG.

Trong khi đó, theo BCTC hợp nhất quý III/2015 cho thấy, HNG có khoản vay gần 180 tỷ đồng với lãi suất thả nổi 10,5-11%/năm tại ACB, tài sản thế chấp chính là 19 triệu cổ phiếu HNG và 74 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn của HAG.

Sau khi chịu thử thách đầu phiên, sự hồi phục trở lại của nhóm cổ phiếu lớn đã giúp 2 chỉ số duy trì được sắc xanh. Thanh khoản cũng có sự cải thiện rõ rệt.

Kết thúc phiên sáng, với 116 mã tăng và 84 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,66 điểm (+0,46%) lên 578,57 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng nhẹ 2,47 điểm (+0,42%) lên 586,24 điểm với 17 mã tăng và 7 mã giảm

Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,94 triệu đơn vị, giá trị 1.478 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 163,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, HQC thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 37,2 tỷ đồng; HSG thỏa thuận hơn 1,13 triệu đơn vị, giá trị 36,1 tỷ đồng; VNS thỏa thuận 1,725 triệu đơn vị, giá trị 49,16 tỷ đồng và TTF thỏa thuận hơn 1,41 triệu đơn vị, giá trị 4,8 tỷ đồng.

Tương tự, với 19116 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,26%) lên 80,1 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,3 điểm (+0,21%) lên 142,98 điểm với 13 mã tăng và 7 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 27 triệu đơn vị, giá trị hơn 303 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 7,1 tỷ đồng.

Nửa cuối phiên sáng nay chứng kiến sự bứt tốc của VNM khi tăng mạnh 3.000 đồng lên 134.000 đồng/CP, có thời điểm đã tăng tới 5.000 đồng, cùng với đó là thanh khoản tăng vọt với hơn 1,42 triệu đơn vị được khớp.

Thông tin khiến cổ phiếu này tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản có lẽ đến từ thông báo mới đây của VNM.

Theo đó, VNM vừa có văn bản gửi các cổ đông để lấy ý kiến về việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, VNM dự kiến rút khỏi 7 ngành nghề bao gồm: bốc xếp hàng hoá, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch, hoạt động dịch vụ trồng trọt, xử lý hạt giống để nhân giống, in ấn, và cuối cùng là ngành tư vấn môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất.

Theo VNM, đây đều là những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và/hoặc Công ty không có hoạt động kinh doanh sinh lời trên thực tiễn. Do đó, cần điểu chỉnh để phù hợp với thực tiễn hoạt động và đáp ứng điều kiện không bị giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, hồi tháng 11/2015, VNM đã đưa ra đề xuất nâng room ngoại lên 100%, thay vì 49% như hiện tại bởi sữa không phải là ngành kinh doanh nhậy cảm.

Rõ ràng, VNM đang “dọn dẹp” lại “nhà cửa” để sẵn sàng đón tiếp “khách ngoại”. Tuy nhiên, sự đột biến về thanh khoản của cổ phiếu VNM trong phiên sáng nay lại hoàn toàn đến từ khối nội, khối ngoại chỉ mua vào chưa đầy 2.000 cổ phiếu.

Ngoài VNM, nhiều mã lớn khác như, BID, VCB, STB, BVH, REE, KDC, HSG, HPG, PVT… đều có được sắc xanh, trong đó PVT, HSG và HPG đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã GAS, MSN, VIC, MBB, PVD, HCM, EIB… vẫn giảm điểm, tạo lực cản đà tăng của chỉ số.

Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hoạt động giao dịch không quá mạnh, ngoại trừ HNG-HAG.

HNG chốt phiên sáng nay vẫn giữ nguyên sắc tím với hơn 10 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường, dù vẫn còn dư bán trần hơn 322.000 đơn vị. Trong khi, HAG đã lùi về mốc tham chiếu 8.500 đồng/CP và khớp được 4,29 triệu đơn vị.

Về VHG, có thời điểm đã tăng sát mức trần, song do sức cầu vẫn chưa đủ mạnh để có thể hấp thụ hết hơn 5,2 triệu cổ phiếu dư bán, trong đó có hơn 3,56 triệu đơn vị dư bán ở mức giá trần, tuy nhiên mã này vẫn tăng 200 đồng lên 5.900 đồng/CP và khớp được 3,94 triệu đơn vị.

Các mã như CII, FLC, HHS, ITA, HQC, KSA… đều có thanh khoản từ 1-2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, việc ổn định của các mã lớn NTP, LAS, DBC, CEO… hay nhóm dầu khí giúp chỉ số sàn này tăng trở lại trong thời gian cuối phiên.

Trên sàn này chỉ có 3 mã có được thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SCR, KLF và VIX, song chỉ có VIX là tăng điểm.

Tin bài liên quan