Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - ông Quản Minh Cường bên hành lang Quốc hội chiều 3/11 (ảnh: M.Minh)

Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - ông Quản Minh Cường bên hành lang Quốc hội chiều 3/11 (ảnh: M.Minh)

Phó bí thư Đồng Nai: Không thu hồi đất phát triển du lịch là không phù hợp thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội kiêm lãnh đạo địa phương, ông Quản Minh Cường băn khoăn vì Luật Đất đai đã qua nhiều lần điều chỉnh nhưng vẫn không nhắc đến đất phát triển du lịch, khu vui chơi giải trí trong đối tượng đất được Nhà nước thu hồi.

Ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận hội trường về những điều còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Phó bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề ông còn băn khoăn về dự án Luật.

Theo ông Cường, cần bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 27 Điều 79 dự thảo Luật như sau: "27. Dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng là dự án quan trọng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương".

Lý do vì khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Cụ thể, Luật Du lịch được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) có phạm vi điều chỉnh không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất, kể cả các công trình như kho chứa dầu thô, kho chứa, trạm bơm xăng, dầu khí hoặc xây dựng chợ dân sinh... thì đất đai để phát triển hạ tầng du lịch lại không nằm trong đối tượng này.

Đại biểu cho biết, trước đây, Luật Đất đai năm 2003 có quy định các dự án phát triển du lịch, dịch vụ cũng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Nghị định 84 của Chính phủ năm 2007 cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để phát triển khu du lịch có mối liên kết về kết cấu hạ tầng, về loại hình kinh doanh; phát triển khu vui chơi giải trí ngoài trời với nhiều loại hình vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu, đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện Quốc hội đang thảo luận cũng không nhắc đến đối tượng này trong diện được Nhà nước thu hồi đất, trong khi, Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

"Đến nay, dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng các dự án du lịch vẫn không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất là không phù hợp với thực tiễn.

Luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ thì sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và điểm đến", ông Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, dưới góc độ của lãnh đạo một địa phương, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng được coi là các dự án trọng điểm của địa phương.

Những dự án này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đồng bộ hóa phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại và hình thành nên những khu đô thị với trung tâm tài chính, thương mại, du lịch thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch đến với địa phương.

Đây cũng là mô hình hiện đang được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới và khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ả rập xê út...

Ngoài ra, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí "dự án quan trọng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương" để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai sau này.

“Việc quy định thu hồi đất, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch là cần thiết trong Luật Đất đai”

Trước đó, khi thảo luận tại Hội trường sáng 3/11, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch vào khoản 27 được thiết kế tại phương án 1 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh)

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh)

Theo đại biểu, các chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng, khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc nhà nước thực hiện thu hồi đất.

Do vậy, việc Luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và sẽ tạo không bình đẳng đối với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận đất đai.

Để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên 50% vào năm 2030 như tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, đại biểu đoàn Tây Ninh cho rằng cần phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.

“Việc quy định thu hồi đất, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch là cần thiết trong Luật Đất đai”, ông Phương nhấn mạnh.

Mặt khác, theo đại biểu, quy định pháp luật hiện nay đã cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ nhưng hiện nay còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các dự án này nên dẫn đến những ách tắc trong việc phát triển các dự án du lịch, khu vui chơi, giải trí và tổ hợp đa chức năng.

“Do vậy, việc quy định thu hồi đất và thực hiện đấu thầu đối với các dự án du lịch, thương mại là xuất phát từ yêu cầu thực tế hiện nay”, ông Phương nêu quan điểm.

Tin bài liên quan