Phó giám đốc Đất Lành: “Đánh cược với căn hộ nhỏ”

Phó giám đốc Đất Lành: “Đánh cược với căn hộ nhỏ”

(ĐTCK) Từng một mình “lội ngược dòng” chứng minh sự cần thiết phải phát triển căn hộ diện tích nhỏ, đến nay đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, nhưng nhìn lại giai đoạn cả nước ào ào phát triển căn hộ diện tích lớn, Phó giám đốc Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực lại cho rằng, đó cũng là hậu quả của quy định pháp lý về nhà ở chưa hoàn thiện.

Là DN đầu tiên trong cả nước chủ trương xây dựng căn hộ nhỏ ngay giữa giai đoạn thị trường bất động sản dậy sóng, Đất Lành cũng như cá nhân Phó giám đốc Nguyễn Văn Đực bị nhiều người trong giới đầu tư bất động sản cho là “khùng”, là “chơi trội”.

Có lẽ, ở thời điểm năm 2009, người hiếm hoi tán đồng quan điểm của ông Đực là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Còn nhớ, trong một buổi hội thảo về thị trường bất động sản tại Hà Nội, ông Nam đã nêu vấn đề: “Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp, bởi nếu căn hộ cao cấp mà cách quá xa trung tâm, đi lại khó khăn thì khách hàng không lựa chọn. Thay vào đó, nên xem xét đến việc xây dựng căn hộ nhỏ giá thấp, vừa túi tiền, khoảng 600 - 700 triệu, giống như ông Đực trong TP. HCM”. Song khi ấy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, “lãnh đạo chỉ nói cho vui”.

Thời kỳ bất động sản trầm lắng cũng là lúc ý tưởng về căn hộ nhỏ giá thấp của ông Đực được minh chứng. Tuy vậy, nhìn lại giai đoạn phát triển tràn lan của căn hộ diện tích lớn giai đoạn trước, ông Đực thẳng thắn: “Truyền thông cứ nói các nhà đầu tư thiếu tính toán nên lãnh đủ. Nhưng thực tế, hãy nhìn vào quy định của pháp luật, để thấy rằng luật lệ nào thì sản phẩm đó”.

Ông Đực viện dẫn, Luật Nhà ở quy định, mỗi căn hộ phải có 10 m2 chỗ để xe. Căn hộ diện tích 45 m2 hay 90 m2, thậm chí 450 m2 cũng có diện tích để xe như nhau. Càng xây diện tích lớn, chủ đầu tư càng có lợi, bởi phần diện tích chung như nhau, trong khi đó bán nhà chỉ tính được phần diện tích căn hộ, phần diện tích chung chỉ thu phí hàng tháng, trong khi suất đầu tư sẽ tăng lên. Quy định của Luật đã khuyến khích căn hộ lớn, lại đúng lúc thị trường bất động sản đang lên, thì các NĐT xây căn hộ lớn cũng là điều dễ hiểu.

Đến thời điểm này, khi thị trường trầm lắng, ế ẩm trên thị trường thuộc về phân khúc căn hộ lớn, căn hộ cao cấp thì tháng 6/2013, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho nhà cao tầng, theo hướng khắc phục những bất hợp lý trước kia, trong đó quy định: “Đối với nhà ở thương mại, cứ 100 m2 diện tích sử dụng căn hộ phải bố trí tối thiểu 20 m2 để xe, với nhà ở xã hội là 12 m2”. 

Chia sẻ với đầu tư bất động sản, ông Đực cho biết, quyết định đầu tư dự án căn hộ nhỏ, giá bình dân được hình thành sau khi Đất Lành đã khảo sát rất kỹ đời sống của người dân khu vực TP. HCM và thấy rằng rất nhiều hộ gia đình 3-4 người đang ở trong phòng trọ chỉ rộng 8-10 m2. Với họ thì căn hộ khoảng 25 m2 đã là điều kiện sống quá lý tưởng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nếu tiết kiệm từ 5-7 năm và được gia đình hỗ trợ mới có đủ tiền mua căn hộ khoảng 700 triệu đồng. Khảo sát trong nước chưa đủ, ông Đực còn sang tìm hiểu nhiều thị trường bất động sản nước ngoài.

Xuất thân từ kỹ sư nền móng, ông Đực đã nghiên cứu và chứng minh thi công bằng cọc nhồi vừa đắt tiền lại kém hiệu quả so với móng bè, cũng như nghiên cứu phương án thiết kế nhà ở sao cho vừa tiện ích, vừa giảm thiểu tối đa chi phí mà hiệu quả an toàn cao. Tư duy và kinh nghiệm được ông áp dụng triệt để vào Chung cư Thái An 1, 2, 3, 4. Theo đó, các căn hộ lớn đều được thiết kế có thể chia đôi nếu chính sách cho phép. Khi thiết kế căn hộ “chờ” kiểu này, ông Đực cũng phải “đánh cược” số phận của chung cư, vì ông cho rằng, dù thế nào cũng phải được luật pháp cho phép.

Giờ đây, Nguyễn Văn Đực đã không còn cô đơn trên con đường phát triển căn hộ nhỏ. Ông đã nhận được sự đồng thuận của đồng nghiệp và các cơ quan thuộc Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành đầy đủ các quy chế để thực thi dự án căn hộ nhỏ. Một chặng đường đầy gian nan và mệt mỏi đã qua đi. Gặp ông lúc này, không còn vẻ phừng phừng nói về việc cần phải phát triển căn hộ vừa túi tiền, mà thay vào đó là những ưu tư khi nói về việc vẫn còn không ít “rào cản” đối với việc phát triển căn hộ nhỏ.

Điều mà ông Đực băn khoăn là vì sao Bộ Xây dựng đã đưa ra tiêu chí rất đơn giản để chuyển căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ, nhưng TP. HCM lại đặt ra thêm nhiều khâu xét duyệt quá phức tạp? Vì sao thủ tục chuyển đổi sang nhà ở xã hội của tư nhân gặp nhiều khó khăn? Phải chăng vì Thành phố lo cứu hơn 4.000 căn hộ tái định cư là "con đẻ" của mình, nên không tạo cơ chế thuận lợi cho “đứa con nuôi” tiếp tục được sinh ra?  

Tin bài liên quan