Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Sự kiện

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Sự kiện

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước đang trong tiến trình hoàn thiện Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị định cơ chế quản lý có kiểm soát Fintech trong hoạt động ngân hàng, tạo tiền đề cho ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyển đổi số...

Những con số biết nói

Tại Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023 với Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, về mặt kiến tạo thể chế, trong 2 năm qua, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.

Cụ thể, từ năm 2020, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử eKYC và đến cuối năm 2022, hệ thống đã có khoảng 11,9 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Năm 2021, NHNN Việt Nam tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn mở, phát hành thẻ ngân hàng bằng hình thức điện tử, đến nay chúng ta có khoảng 10,8 triệu thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử đang hoạt động trên thị trường. Năm 2022, NHNN tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng bảo lãnh ngân hàng bằng phương thức điện tử…

Theo ông Anh Tuấn, thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 316 về thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ nhỏ lẻ. Đến nay, chúng ta có 3,71 triệu tài khoản Mobile money đang hoạt động với 8880 điểm kinh doanh và trên 15.300 điểm chấp nhận thanh toán.

Đáng chú ý, NHNN cũng đang trong tiến trình hoàn thiện Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi); trình Chính phủ các Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định cơ chế quản lý có kiểm soát Fintech trong hoạt động ngân hàng, tạo tiền đề cho ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyển đổi số.

Về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử toàn quốc… Hệ thống chuyển mạch, bù trừ điện tử bán lẻ hoạt động kịp thời, liên tục 24/7 an toàn, thông suốt, phục vụ trên 18 triệu giao dịch/ngày. Việt Nam cũng đã triển khai thử nghiệm QRcode với Thái Lan, Campuchia và chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong khu vực trong thời gian tới.

Hệ thống trung tâm thông tin tín dụng được đầu tư, nâng cấp để tăng mức độ xử lý, khả năng tự động cập nhật, đồng thời tăng khả năng thu thập và xử lý dữ liệu trong và ngoài Ngành, nâng mức độ phủ sóng lên 72,75% độ tuổi người trưởng thành với 53 triệu tài khoản và mức độ cập nhật trên 87%.

“NHNN cũng xác định xây dựng Chính phủ số là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian qua, NHNN đã phát triển Chính phủ điện tử, cho đến nay nhiều kế hoạch, mục tiêu đặt ra trong Quyết định 810 đã được hoàn thành thông qua các con số rất ấn tượng: 99,99% hồ sơ xử lý qua mạng; 100% dịch vụ công mức 4; 98,1% người dân hài lòng về thủ tục hành chính…”, ông Anh Tuấn nói.

Thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu để phát triển hệ sinh thái số

Phát biểu chỉ đạo tại Sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số”; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án“Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

“Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra trong năm 2023 là 'năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới'; thực hiện tốt quan điểm phát triển đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt, thống nhất, quyết liệt tổ chức triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ sau:

​Thứ nhất, về xây dựng, cải cách thể chế. Cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng…

​Thứ hai, về hạ tầng số. Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Vì vậy, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành, trong đó hạt nhân là hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng, phải theo kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.

“​Nhân Sự kiện này, tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với NHNN thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu để phát triển hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, mang lại giá trị mới và lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

​Thứ ba, về an ninh, an toàn. Xu hướng toàn cầu hoá, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao, an ninh tiền tệ ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.

“NHNN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

​Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp, để có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn và phòng tránh rủi ro bị tội phạm lợi dụng, lừa đảo, đánh cắp thông tin...

Tin bài liên quan