90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023, được tổ chức sáng nay (ngày 18/5/2023), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện.

Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đại hội XIII đã nhấn mạnh “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Quốc hội cũng đã đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số”.

“Tiếp tục bám sát, triển khai định hướng, chỉ đạo và các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư (Đề án 06) và chủ đề “năm dữ liệu số 2023” đề ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số” cho sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 hôm nay”, Thống đốc cho biết.

Cũng theo Thống đốc, thời gian qua, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các Bộ, ban ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số (Quyết định 810/QĐ-NHNN) trên nhiều mặt. Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực Đề án 06, ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA với Bộ Công an gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể hướng tới việc ứng dụng dữ liệu dân cư để đem lại các tiện ích, lợi ích mới cho khách hàng.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.

Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư;…

Theo Thống đốc, những kết quả này đã được minh chứng qua những thông tin nổi bật như:

Một là, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới;

Hai là, khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng;

Ba là, 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4...

Được biết, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc ngành Ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06. NHNN đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ ngày tháng 12/2022 cho dịch vụ công của NHNN. NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại…

Về phía các TCTD, năm 2022 một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố.

Năm 2023, một số ngân hàng như Vietcombank đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card – MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023. Một số TCTD như Vietcombank, MB, PVComBank... đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank trình bày tại sự kiện

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank trình bày tại sự kiện

Ngoài ra, tại VietinBank, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ và góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, VietinBank triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ.

Trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, phát huy những kết quả đạt được, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và các Thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử...

Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Kế hoạch phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Thứ ba, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng.

Thứ tư, xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị); 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; khoảng 18,6 triệu thẻ, 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động; hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, số lượng giao dịch của tài khoản Mobile Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt khoảng 1.268 tỷ đồng

Tin bài liên quan