Phong Phú (PPH) đặt mục tiêu lợi nhuận 380 tỷ đồng, cổ tức 20%

0:00 / 0:00
0:00
Lo ngại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, chi phí sản xuất tăng cao, lạm phát tại châu Âu, Mỹ do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, Phong Phú đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất đi ngang năm 2021.
Năm 2022, Tổng công ty CP Phong Phú đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.260 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 380 tỷ đồng.

Năm 2022, Tổng công ty CP Phong Phú đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.260 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 380 tỷ đồng.

Tổng công ty CP Phong Phú (PPH - UPCoM) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 và thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận đi ngang với kết quả thực hiện năm 2021.

Báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, ông Dương Khuê, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú cho biết, năm 2021 là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ với tất cả các doanh nghiệp, trong đó có Phong Phú.

Kết thúc năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp đạt hơn 2.072 tỷ đồng, đạt 93,4% so với kế hoạch, trong đó tổng doanh thu của TCT mẹ đạt hơn 1.376 tỷ đồng, đạt 109,3% so với kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 381,7 tỷ đồng, đạt 127,7% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế TCT mẹ đạt 261,6 tỷ đồng, đạt 104,6% so với kết hoạch; Dự kiến chia cổ tức 30%.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng trưởng vượt trội năm 2021 trong điều kiện dịch Covid tác động xấu đến các mặt hoạt động.

Theo ông Khuê, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với các biến chủng mới. Chiến lược phòng chống dịch ở mỗi quốc gia đều ảnh hưởng đến sự thống nhất nền kinh tế toàn cầu (Trung Quốc hiện nay vẫn duy trì chính sách “zero covid”, cách ly từng địa phương) có thể làm mọi dự đoán bị đảo lộn.

Đặc biệt tình hình chính trị và an ninh thế giới vô cùng phức tạp với cuộc chiến Nga – Ukraine, lạm phát tại châu Âu, Mỹ, khủng hoảng về nguồn nguyên liệu, logistics, giá dầu…, cùng với giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may tăng cao. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì lực lượng sản xuất, ổn định khách hàng, tiếp tục phục hồi sản xuất và thị trường, luôn theo dõi chặt chẽ tình hình thực tế để điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm nâng cao nội lực và lợi ích của cổ đông.

Tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 2.260 tỷ đồng, doanh thu Tổng công ty mẹ 1.700 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 380 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ 280 tỷ đồng, cổ tức 18-20%.

Mục tiêu lợi nhuận hợp nhất 2022 đi ngang so với 2021 thực tế vẫn là mức tăng trưởng cao, bởi 2021, dù doanh thu hợp nhất không đạt kế hoạch nhưng lợi nhuận đều vượt xa kế hoạch trên 27%.

Để đạt được mục tiêu năm 2022, Phong Phú sẽ tập trung giữ vững và phát triển 2 chuỗi cung ứng chỉ may Coats và sản phẩm gia dụng (khăn bông và các sản phẩm tương tự). Tích cực chủ động cùng đối tác Coats cải tiến và phát triển thêm mặt hàng mới; Đa dạng các chủng loại sợi mộc có giá trị cao cung cấp cho Coats.

Ngoài ra, theo yêu cầu tăng tốc phát triển, từ 2022, Phong Phú sẽ tập trung đầu tư chiều sâu để phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng tính toán đến phương án phát triển các thị trường ngách, có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Đánh giá tình hình những năm tới, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, lợi nhuận của Phong Phú sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Phong Phú có nhiều công ty liên doanh, liên kết trong đó đáng chú ý là liên doanh Coats Phong Phú (liên doanh với Coats Plc-Anh Quốc) từ 2006, trong đó Phong Phú nắm 35% vốn góp. Coats Phong Phú chuyên sản xuất chỉ may cao cấp phục vụ cho hàng may mặc và giày da xuất khẩu. Coast Phong Phú mỗi năm mang về cho Phong Phú hàng trăm tỷ đồng tiền cổ tức.

Tổng tài sản của Phong Phú tính đến 31/12/2021 là 3.000 tỷ đồng, giảm 3,2% so với số đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn giảm từ 1.154 tỷ đồng xuống còn 1.100 tỷ đồng, tài sản dài hạn giảm từ 1.944 tỷ đồng xuống còn 1.900 tỷ đồng.

Nợ phải trả giảm từ 1.633 tỷ đồng xuống còn 1.430 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,4% so với số đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn giảm từ 733 tỷ đồng xuống còn 588 tỷ đồng, tương ứng giảm 19,8%; nợ dài hạn giảm từ 900 tỷ xuống còn 842 tỷ đồng, tương ứng giảm 6,%.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng từ 1.465 tỷ đồng lên 1.570 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng từ 310 lên 375 tỷ đồng, tương ứng tăng 21%.

Tin bài liên quan