Phú Yên “loay hoay” tìm đơn vị quản lý Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam

0:00 / 0:00
0:00
Công ty Thủy nông Đồng Cam chưa đồng ý tiếp nhận quản lý Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam vì lý do không có đội ngũ cán bộ có chuyên môn về quản lý di tích.
Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam. Ảnh: Tourphuyen.

Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam. Ảnh: Tourphuyen.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên vừa cho biết, đơn vị này đã có báo cáo và kiến nghị gửi UBND tỉnh liên quan đến việc giao quản lý Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam (viết tắt di tích Đập Đồng Cam).

Cụ thể, ngày 4/10/2022, đơn vị này có công văn lấy ý kiến của 3 đơn vị liên quan, gồm UBND huyện Phú Hòa, UBND huyện Tây Hòa và Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (gọi tắt là Công ty Đồng Cam).

Về ý kiến phản hồi, UBND huyện Phú Hòa và UBND huyện Tây Hòa thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; riêng Công ty Đồng Cam chưa đồng ý tiếp nhận quản lý trực tiếp di tích Đập Đồng Cam.

Theo đó, UBND huyện Phú Hòa thống nhất giao cho Công ty Đồng Cam trực tiếp quản lý di tích Đập Đồng Cam; UBND huyện Phú Hòa, UBND huyện Tây Hòa nơi có di tích thực hiện quản lý nhà nước đối với di tích ở địa phương.

UBND huyện Tây Hòa thống nhất tiếp nhận việc quản lý nhà nước đối với di tích Đập Đồng Cam.

Trong khi đó, Công ty Đồng Cam cho rằng, nhiệm vụ của Công ty là quản lý, khai thác và bảo vệ các hệ thống công trình, kênh mương, các đập dâng và các hồ chứa nước (trong đó có hệ thống đập dâng Đồng Cam); đồng thời cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 6 huyện, 2 thị xã và TP. Tuy Hòa.

“Việc quản lý di tích Danh lam thắng cảnh quốc gia Đập Đồng Cam theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi bổ sung năm 2009; hiện tại, Công ty không có đội ngũ cán bộ có chuyên môn về quản lý di tích nên trong công tác quản lý di sản sẽ gặp khó khăn”, lý do được Công ty đề cập trong công văn số 555, ngày 7/10/2022.

Do vậy, Công ty Đồng Cam đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và giao cho đơn vị có đầy đủ chức năng quản lý.

Song, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn Điều 16 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009) khẳng định các quyền, nghĩa vụ quy định được đề cập trong này tương đồng với nhiệm vụ của Công ty Đồng Cam đối với Đập Đồng Cam (quản lý, khai thác, bảo vệ,...).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nếu giao di tích Đập Đồng Cam cho một đơn vị khác trực tiếp quản lý thì đồng nghĩa với việc Công ty Đồng Cam không còn nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ đập Đồng Cam như lâu nay.

Với lý do trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên với nội dung giữ nguyên như tờ trình số 2282, ngày 28/9/2022 đã kiến nghị trước đó là “Giao cho Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi Đập Đồng Cam) trực tiếp quản lý di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Đập Đồng Cam; UBND huyện Phú Hòa, UBND huyện Tây Hòa nơi có di tích thực hiện quản lý nhà nước đối với di tích ở địa phương”.

Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam (thuộc xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa và xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 2085, ngày 5/9/2022.

Nội dung quyết định nêu rõ, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng tại, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất ở Phú Yên, do người Pháp xây dựng; được khởi công vào năm 1924 và đến năm 1932 thì hoàn thành.

Đập được xây dựng trên nền đá granite nên vẫn còn rất vững chãi cho tới ngày nay, nằm chắn ngang sông Ba giữa hai dãy núi Trù Cát và Qui Hậu Thân; đập nước dài 688m có 2 kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Nam hiện đang tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km2.

Mặc dù nằm tách biệt so với các khu du lịch nổi tiếng khác, Đập Đồng Cam hiện nay vẫn mang sức thu hút riêng đối với du khách khi đến với tỉnh Phú Yên.

Tin bài liên quan