Phục hồi kinh tế, đường về gập ghềnh

Phục hồi kinh tế, đường về gập ghềnh

(ĐTCK) Theo các chuyên gia kinh tế, dù nút thắt hàng tồn kho đã có sự cải thiện, nhưng mục tiêu phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, do sức cầu vẫn yếu và nguy cơ lạm phát tăng cao.

Phục hồi kinh tế, đường về gập ghềnh ảnh 1PMI tháng 8 đã cải thiện so với tháng 8, nhưng vẫn biểu thị mức độ suy giảm nhẹ của điều kiện hoạt động sản xuất

 

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp với Công ty Markit Economics vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam, chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất- trong tháng 8. Với 49,4 điểm, PMI tháng 8 đã có sự cải thiện so với mức 48,5 điểm của tháng 7 và là kết quả tốt nhất kể từ tháng 4, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị mức suy giảm nhẹ của các điều kiện hoạt động sản xuất.

Báo cáo của HSBC cho thấy, dù hàng tồn kho đã giảm nhẹ, nhưng số lượng đơn đặt hàng mới mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được trong tháng 8 vẫn tiếp tục đà suy giảm, kéo dài thời kỳ sụt giảm lên 4 tháng. Theo các thành viên nhóm khảo sát, hoạt động thị trường vẫn chậm chạp do nhu cầu của khách hàng yếu. Các điều kiện thị trường xuất khẩu được cho là vẫn còn khó khăn, nhưng đã có những dấu hiệu ổn định.

“Số lượng đơn đặt hàng mới giảm, nhưng mức độ giảm sản lượng khá ít”, Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC nhận định

Số lượng việc làm trong tháng 8 đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4, với tốc độ tăng mạnh và được báo cáo là mạnh nhất trong lịch sử khảo sát. Việc tuyển dụng mới đang cho thấy những tín hiệu tích cực về sản xuất và số lượng đơn đặt hàng trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cũng cho biết, các DN Việt Nam vẫn tiếp tục đứng trước nhiều thách thức. Giá cả đầu ra chịu sức ép cạnh tranh giảm giá để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, trong khi giá cả đầu vào đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Xăng dầu tăng giá khiến cho chi phí vận chuyển đội lên được cho là những động lực chính gây lạm phát.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý trong tháng qua là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,83% so với tháng 7, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2013.

“Như vậy, CPI 8 tháng đầu năm đã tăng 3,53% so với tháng 12/2012. Nếu tính theo năm, lạm phát đang đứng ở mức 7,5%. Dự báo trong tháng 9, giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ có xu hướng nhích lên do giá cả hàng hóa thế giới tăng cũng như nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với một số hàng hóa cao hơn trong dịp Tết Trung thu và năm học mới cũng như do độ trễ của ảnh hưởng một số chi phí đầu vào… Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa vẫn luôn đáp ứng tốt nhu cầu, trong khi sức mua chưa được cải thiện nhiều, giá các hàng hóa sẽ không tăng đột biến”, TS. Hiếu nói.

Một thách thức khác với quá trình hồi phục kinh tế là sau hai tuần không có biến động, tỷ giá USD/VND đột ngột tăng trong ngày 22/8 vừa qua. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, việc hạ giá tiền đồng sẽ có tác động đáng kể đến lạm phát. Nếu tỷ giá được điều chỉnh tăng thêm 1% có thể làm tăng 0,23% chỉ số CPI ngay trong tháng đó.

Bên cạnh đó, theo nhận định của bà Trinh Nguyen, hoạt động sản xuất ở Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do của sức cầu của nền kinh tế thế giới vẫn khá mong manh. Nhu cầu toàn cầu dự kiến chỉ được cải thiện vào cuối năm nay đầu năm sau nhờ sự phục hồi tiêu dùng ở Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Do đó, để có thể khẳng định nền sản xuất tại Việt Nam bắt đầu phục hồi, chỉ số PMIcần ổn định ở mức trên 50 điểm.    

Phục hồi kinh tế, đường về gập ghềnh ảnh 2