Được coi là doanh nghiệp đầu đàn trong ngành khí đốt, song PV Gas đang đau đầu với bài toán quản trị các khoản phải thu.

Được coi là doanh nghiệp đầu đàn trong ngành khí đốt, song PV Gas đang đau đầu với bài toán quản trị các khoản phải thu.

PV Gas (GAS): Mệt mỏi quản trị các khoản phải thu

Dự phòng các khoản phải thu của Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Gas, mã GAS, sàn HoSE) đã ở mức cao trong năm 2017 và tiếp tục có xu hướng tăng trong năm 2018. Điều này cho thấy, PV Gas sẽ phải có những giải pháp quản trị tốt hơn đối với các khoản phải thu để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính doanh nghiệp.

Dự phòng phải thu tăng

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tổng tài sản của PV Gas tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 62.600 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn là 40.900 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 21.700 tỷ đồng.

Theo dõi các khoản phải thu trong năm 2018, có thể thấy, giá trị các khoản phải thu cả dài hạn và ngắn hạn đều có xu hướng tăng, trong đó, các khoản phải thu dài hạn tăng 14,5%, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 11,3%. Đáng chú ý là, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng 9,2% so với năm trước.

Trong số các doanh nghiệp mắc nợ PV Gas thời gian dài có khá nhiều gương mặt anh em ngành dầu khí. Trong đó, một số gương mặt có khoản nợ lớn và đã trên 3 năm có thể kể ra là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí (nợ gốc 50 tỷ đồng, không còn khả năng thu hồi), Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (nợ gốc gần 48,6 tỷ đồng, không còn khả năng thu hồi), Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (nợ gốc gần 66,8 tỷ đồng, không thể thu hồi).

Một món nợ lớn khác đáng chú ý là khoản nợ gốc gần 73,3 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sản xuất, Dịch vụ, Thương mại Thành Tài với thời gian quá hạn hơn 2 năm và giá trị có khả năng thu hồi chỉ gần 22 tỷ đồng.

Thực chất, nếu so sánh các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tại thời điểm cuối năm 2018 so với thời điểm đầu năm thì mức tăng không quá cao. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đinh Dương, Quản lý cấp cao Phòng Nghiên cứu phân tích mảng dầu khí thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn của PV Gas đang diễn biến theo chiều hướng tăng, nhưng con số này rất nhỏ so với tổng phải thu hơn 10.000 tỷ đồng và tổng doanh thu 75.000 tỷ đồng của Công ty.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý với các nhà đầu tư còn ở chỗ, tốc độ tăng các khoản phải thu khó đòi trong năm 2018 tuy không quá lớn so với giá trị cuối năm 2017, nhưng bản thân giá trị các khoản này tại thời điểm cuối năm 2017 đã ở mức khá cao. Nhìn các con số phải thu ngắn hạn khó đòi các năm trước có thể thấy chỉ số này đã tăng vọt trong 4 năm qua.

Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi năm 2016 đã tăng tới 46,4% so với cuối năm 2015, tiếp tục tăng 94,6% trong năm 2017 và tăng tiếp 9,2% trong năm 2019. Theo đó, nếu tính từ giai đoạn từ cuối 2015 đến cuối 2018, thì các khoản nợ khó đòi ngắn hạn tăng tới 211,2%.

Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn tiếp tục tăng cũng là yếu tố đáng quan tâm. Phải thu dài hạn tuy là các khoản nợ còn thời gian cho các đối tác trả nợ, nhưng theo thời gian, những khoản phải thu dài hạn sẽ đến thời điểm chuyển thành phải thu ngắn hạn. Do đó, nếu doanh nghiệp không có biện pháp kiểm soát các khoản nợ, thì nhiều khoản phải thu dài hạn tại thời điểm hiện tại sẽ đến lúc chuyển thành các khoản phải thu khó đòi.

Trong nội dung trả lời Báo Đầu tư, ông Phạm Đăng Nam, Phó tổng giám đốc PV Gas cho biết, việc trích lập dự phòng (các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi) năm 2018 nhiều hơn chủ yếu do tỷ lệ trích lập dự phòng tăng tương ứng với tuổi nợ tăng theo quy định hiện hành (giá trị nợ gốc không thay đổi, nhưng tỷ lệ trích lập dự phòng cao hơn).

Bài toán quản trị các khoản phải thu

Về giải pháp, ông Nam cho biết, thời gian qua, PV Gas đã tăng cường công tác quản lý công nợ theo hướng đánh giá khả năng tài chính của khách hàng trước khi giao dịch, yêu cầu trả tiền trước hoặc bảo lãnh của ngân hàng trong trường hợp cần thiết, đẩy mạnh thu hồi nợ đến hạn/quá hạn…

Thực chất, xét về tỷ lệ nợ khó đòi trên tổng phải thu và doanh thu thuần thì PV Gas chỉ ở mức trung bình so với một số doanh nghiệp kinh doanh ngành khí đốt khác. Cụ thể, nợ khó đòi trên tổng nợ ngắn hạn của PV Gas thấp hơn so với Tập đoàn Dầu khí An pha và Công ty Khí hóa lỏng miền Bắc, nhưng cao hơn so với Công ty Khí hóa lỏng miền Nam và Công ty Gas Petrolimex.

Nếu so sánh nợ khó đòi trên doanh thu thuần, thì tỷ lệ này của PV Gas cũng thấp hơn Dầu khí An pha và Khí hóa lỏng miền Bắc, cao hơn Khí hóa lỏng miền Nam và Gas Petrolimex.

Tuy nhiên, PV Gas luôn được coi là doanh nghiệp đầu đàn trong ngành khí đốt với doanh thu hàng năm và quy mô tổng tài sản lớn hơn nhiều lần các doanh nghiệp khác. Do đó, kỳ vọng của giới đầu tư về hoạt động quản trị, trong đó có quản trị tài chính doanh nghiệp, đối với công ty này đương nhiên cũng cao hơn nhiều so với các công ty khác ngành kinh doanh khí đốt.

Trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp, quản lý khoản phải thu liên quan chặt chẽ đến việc tổ chức và bảo toàn vốn lưu động của doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc tăng khoản phải thu từ khách hàng kéo theo việc gia tăng các khoản chi phí quản lý nợ, chi phí thu hồi nợ, chi phí lãi tiền vay để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động thiếu do vốn của doanh nghiệp bị khách hàng chiếm dụng.

Trong trường hợp PV Gas, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2018 lên tới 10.430 tỷ đồng. Trong hàng chục ngàn tỷ đồng bị đọng bởi đối tác nợ, Công ty vẫn phải đi vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động kinh doanh, với tổng vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn của công ty này vào cuối năm 2018 là gần 4.900 tỷ đồng. Lãi suất trong năm đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam đối với các khoản vay tài chính của PV Gas dao động ở mức 7 - 10,5%/năm. Như vậy, ngoài áp lực phải trả nợ khi các khoản vay đến hạn, Công ty cũng phải gồng mình gánh lãi suất vay tài chính.

Một trong những phương pháp thông thường để quản trị các khoản phải thu là việc doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá tình hình nợ phải thu, dự đoán nợ phải thu từ khách hàng trên cơ sở so sánh, đối chiếu nợ phải thu trong kỳ và doanh thu bán hàng với kỳ thu tiền bình quân hàng năm.

Kỳ thu tiền bình quân (các cách gọi khác là số ngày luân chuyển các khoản phải thu, số ngày tồn đọng các khoản phải thu, số ngày của doanh thu chưa thu…) là một tỷ số tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tỷ số này cho biết doanh nghiệp mất bình quân bao nhiêu ngày để thu hồi các khoản phải thu. Tỷ số này được tính bằng cách lấy số ngày trong năm chia cho số vòng quay khoản phải thu.

Dựa vào kỳ thu tiền bình quân, doanh nghiệp có thể nhận ra chất lượng công tác theo dõi thu hồi nợ. Theo quy tắc chung, kỳ thu tiền bình quân không được dài hơn 1,3 lần kỳ hạn thanh toán. Cụ thể, với một khoản nợ có thời hạn thanh toán là 3 tuần, nhưng đến 1 tháng mà đối tác chưa thanh toán, thì có thể coi doanh nghiệp đang quản trị không tốt đối với khoản nợ đó.

Tuy nhiên, một biến số khác đáng quan tâm là ảnh hưởng của biến động doanh thu khi doanh nghiệp siết chặt việc thu nợ. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện việc thu tiền quá gắt gao có thể dẫn đến việc khách hàng bỏ sang mua hàng của nhà cung cấp khác, dẫn đến doanh thu bị sụt giảm. Đây là một bài toán phức tạp trong việc giải quyết mối quan hệ trong công tác quản trị thu nợ và chính sách bán hàng trả chậm của doanh nghiệp để khuyến khích mua hàng.

Một trong những phương pháp nhằm hài hòa hiệu quả thu nợ và hiệu quả bán hàng là xây dựng chính sách quản trị tín dụng của khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp có một chính sách tín dụng (cho nợ tiền hàng) rõ ràng cho từng nhóm khách hàng, cập nhật và theo dõi lịch sử tín dụng của khách hàng để giảm thiểu việc trì hoãn thanh toán. Một số công ty đã sử dụng hệ thống cho điểm tín dụng và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, lấy đó làm cơ sở để quyết định có nên cho khách hàng tiếp tục sử dụng tín dụng của mình hay không.

Tin bài liên quan