PVN xem xét khả năng tạm dừng khai thác một số mỏ do giá dầu giảm

(ĐTCK) Ngày 6/2, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) đã tổ chức cuộc Tọa đàm “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam”.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tại cuộc Tọa đàm, TS.  Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí (Viện Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt nam) cho biết, PVN vẫn đang xem xét khả năng có thể tạm dừng khai thác, cắt giảm sản xuất một số mỏ khai thác hiệu quả thấp.

Cụ thể, TS. Trung cho biết, lãnh đạo tập đoàn đang theo dõi hết sức chặt chẽ diễn biến giá dầu thế giới và tiếp tục rà soát, xem xét các mỏ khai thác, mỏ nào chi phí bao nhiêu, dựa trên mức giá thành sẽ có quyết định khai thác tiếp, giảm sản lượng hoặc tạm dừng.

“Rất  khó để trả lời cụ thể ở thời điểm này việc cắt giảm bao nhiêu do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để lãnh đạo tập đoàn đưa ra quyết định. Lãnh đạo Tập đoàn đang xem xét các khả năng trên cơ sở rà soát lại các mỏ có chi phí khai thác cao để dựa trên mức giá để có giải pháp cụ thể. Giá trung bình khai thác của Việt Nam dao động trong khoảng từ 30-70 USD/ thùng, tùy từng mỏ khác nhau khác nhau, không phải chi phí chung. Tuy nhiên, việc đóng mỏ sau này mở lại cũng rất tốn kém, phức tạp”, ông Trung cho biết.

Giá dầu thô liên tục giảm mạnh từ cuối năm 2014 và kéo dài sáng đầu năm 2015 đã khiến các nhà khai thác dầu khí, kể cả các tập đoàn khai thác dầu mỏ lớn trên thế giới phải cắt giảm sản lượng, trước tiên là các dự án sâu, xa bờ, rủi ro cao. Ông Trung dẫn chứng, Tập đoàn Conoco Phillip đã cắt giảm 20% vốn đầu tư, Total giảm 10%, BP giảm 1 tỷ USD chi phí nhân sự.

Tại cuộc tòa đàm, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, giá dầu thô thế giới khó tăng cao trở lại thể lên mức 100 USD/thùng trong thời gian ít nhất là 1 năm tới do cung dầu thô vẫn lớn hơn cầu. Ngoài ra, giá dầu còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, sự cạnh tranh giữa nguồn dầu truyền thống của các nước khu vực Trung Đông, Nga và Mỹ…

“Giá dầu phụ thuộc nhiều yếu tố cung cầu thị trường thế giới, nhưng năm 2015 cầu sẽ không có sự biến động, kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi thật sự, nền kinh tế Mỹ có sự phát triển, nhưng nền kinh tế các nước khác chưa phục hồi, tăng trưởng chậm nhu cầu năng lượng không tăng nhiều nếu OPEC và các nước không cam kết cắt giảm sản lượng nguồn cung vẫn sẽ vượt cầu do đó xu hướng giá tăng lên sẽ khó”, ông Trung phân tích.

Theo ông Trung, dự báo nguồn cung vẫn dư thừa nên giá dầu cũng chưa thể tăng ngay được, có nhiều tổ chức dự báo giá dầu nằm trong mức giá là khoảng 60 USD năm 2015, còn 70 USD năm 2017. Giá dầu chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, như bất ổn chính trị. Để tăng lên mức 100 USD thì khó, nhưng vẫn kỳ vọng lên mức khoảng 60 USD.

Tin bài liên quan