Thái Hòa từng có tỉnh cảnh tương tự như PVX hiện nay

Thái Hòa từng có tỉnh cảnh tương tự như PVX hiện nay

PVX: âm vốn chủ, vẫn có thể thoát hủy niêm yết

(ĐTCK) Trong khi NĐT đang chờ đợi con số cuối cùng về mức lỗ sau thuế năm 2013 mà Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã PVX) sẽ hạch toán trong BCTC kiểm toán, thì một vấn đề được NĐT quan tâm là, liệu PVC có thể dùng chiêu “phớt lờ kiểm toán” để tiếp tục niêm yết?

Từ câu chuyện Thái Hòa

Năm 2011, năm đầu tiên CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) ghi nhận con số lỗ sau thuế 210,288 tỷ đồng của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất. Với con số này, vốn chủ sở hữu của THV giảm về 378,076 tỷ đồng trên vốn điều lệ gần 577,5 tỷ đồng. THV hoàn toàn đủ điều kiện để tiếp tục niêm yết trên HNX.

Tuy nhiên, đó là những con số được thể hiện rõ nét trên BCTC đã qua kiểm toán, nhưng không có nghĩa: nó là con số phản ánh hoàn toàn chính xác thực trạng tài chính của THV.

Trong Báo cáo kiểm toán cho BCTC năm 2011, đơn vị kiểm toán cho THV là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế (IFC) đưa ra ý kiến chấp thuận với những điểm hạn chế phạm vi kiểm toán… không thể lớn hơn cho số tài sản của THV.

Cụ thể, kiểm toán cho biết “không được tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định và chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm 31/12/2011” và đã thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung cũng như các thủ tục kiểm toán thay thế, nhưng “không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán cần thiết để chứng minh cho sự hiện hữu và giá trị của các khoản mục này”.

Đáng lưu ý là, những khoản mục này bằng khoảng… 75% tổng giá trị tài sản của THV, lớn hơn nhiều lần so với số vốn chủ sở hữu của Công ty tại cùng thời điểm. Điều này cũng có nghĩa là, việc vốn chủ sở hữu thực tế của THV còn bao nhiêu, hay thậm chí là đã âm bao nhiêu tại ngày 31/12/2011 là một điều khó biết, trừ người trong cuộc.

Nhưng, cổ phiếu THV vẫn được niêm yết, cho đến giữa năm 2013, khi BCTC kiểm toán năm 2012 được công bố, với số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, vốn điều lệ bị âm (theo quy định tại các Sở GDCK, DN mắc 1 trong 2 yếu tố này đều thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc).

Đến Hanic

CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam đã bị hủy niêm yết, nhưng một trường hợp khác, vẫn đang niêm yết trên HNX, trong các năm vừa qua đã vướng khoản ngoại trừ lớn, mà nếu hạch toán 100% các tác động của khoản ngoại trừ này, có thể dẫn tới tình trạng âm vốn chủ sở hữu, đó là CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã SHN).

Cuối năm 2011, Hanic có vốn điều lệ gần 324,534 tỷ đồng, lỗ lũy kế 147 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu còn trên 199 tỷ đồng.

Đây là năm đầu Hanic ghi nhận lỗ, lỗ lũy kế chưa đến 50% vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu vẫn còn khá nhiều, nên Công ty vẫn đủ điều kiện về tài chính để tiếp tục được niêm yết.

Thế nhưng, giống như Thái Hòa, Hanic cũng bị kiểm toán ghi nhận những khoản ngoại trừ không hề nhỏ trên tổng tài sản.

Theo đó, khoản phải thu liên quan đến CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân trị giá 238 tỷ đồng tiền gốc tại ngày 31/12/2011 mới chỉ được Hanic trích lập dự phòng 30% (tương đương 71,4 tỷ đồng). Ngoài ra, kiểm toán cũng cho biết chưa thu thập đủ các biên bản đối chiếu xác nhận nợ của hơn 30,8 tỷ đồng đầu tư dài hạn khác.

Nếu ngoại trừ toàn bộ ảnh hưởng của các vấn đề trên, vốn chủ sở hữu của Công ty có thể rơi về xấp xỉ 1,6 tỷ đồng, và lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ (rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc).

Kết thúc năm 2012, BCTC kiểm toán của Hanic tiếp tục ghi nhận lỗ năm thứ 2, với các vấn đề cũ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Và, với điều kiện này, nếu ngoại trừ hoàn toàn các ảnh hưởng theo nguyên tắc thận trọng (dự phòng 100% các khoản kiểm toán cho biết bị hạn chế kiểm toán), Hanic có thể sẽ bị hủy niêm yết.

Và hướng ra cho PVX?

Trong khi con số lợi nhuận sau kiểm toán của PVX chưa được công bố, thì NĐT đang đưa ra các kịch bản. Một kịch bản hoàn toàn có thể được nghĩ tới, là PVX sẽ công bố một BCTC với đầy đủ các điều kiện về tài chính để được tiếp tục niêm yết (lỗ lũy kế không vượt quá vốn điều lệ, vốn điều lệ chưa âm) và… một số ý kiến ngoại trừ?

Trên thực tế, theo các văn bản hướng dẫn hiện nay, các nội dung ngoại trừ của kiểm toán trên BCTC chỉ chủ yếu ảnh hưởng đến DN muốn xin phát hành mới. Tất nhiên, DN vẫn được phát hành nếu có giải trình hợp lý và được UBCK chấp thuận. Điều đó có nghĩa là, với những DN có điều kiện tài chính mong manh (đã lỗ 2 năm liên tiếp, hoặc có nguy cơ bị lỗ vượt quá vốn điều lệ, âm vốn chủ sở hữu), chấp nhận một BCTC kiểm toán có ngoại trừ, lưu ý, hạn chế kiểm toán…  cũng có thể là một cách cứu vãn cho nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Liệu PVX có hành xử theo cách này hay không, dư luận đang sát sao theo dõi. Được biết, cổ phiếu PVX thường xuyên trong Top 5 cổ phiếu thanh khoản nhất trên TTCK và chiếm tỷ trọng giao dịch khá lớn ở sàn Hà Nội.

Tin bài liên quan