Quan hệ kinh tế Singapore và Việt Nam chưa bao giờ có giới hạn

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn nhiều cơ hội để Singapore và Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác hiện có và tìm kiếm cơ hội mới ở những lĩnh vực mới nổi trong thời kỳ tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam.
Các dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) có mặt từ Bắc tới Nam, mang lại những dự án và việc làm có chất lượng cho Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Các dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) có mặt từ Bắc tới Nam, mang lại những dự án và việc làm có chất lượng cho Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Quan hệ kinh tế mạnh mẽ và thực chất

Những năm qua, mối quan hệ kinh tế giữa Singapore và Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thương mại hàng hóa song phương tăng khoảng 11% mỗi năm, từ 20,9 tỷ SGD (15,45 tỷ USD) năm 2018 lên 31,3 tỷ SGD (23,14 tỷ USD) vào năm 2022. Thương mại dịch vụ song phương tăng khoảng 14%/năm, từ 4,4 tỷ SGD (3,25 tỷ USD) vào năm 2017 lên 7,4 tỷ SGD (5,47 tỷ USD) vào năm 2021. Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore. Tính đến cuối năm 2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế 70,8 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Singapore đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, từ sản xuất, hậu cần đến các dịch vụ về sinh hoạt và tiêu dùng. Sự hợp tác của hai nước còn được đánh dấu bằng các dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore có mặt trên khắp Việt Nam, mang lại những dự án và việc làm có chất lượng cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 2 năm nay, hai nước đã ký Bản ghi nhớ thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore. Bản ghi nhớ này đóng vai trò như một khuôn khổ chung để thực hiện bốn bản ghi nhớ về năng lượng, tín chỉ carbon, đổi mới sáng tạo và kinh tế số từng được ký kết giữa các cơ quan Singapore và Việt Nam trong năm qua.

Do đó, Singapore và Việt Nam có thể cùng nhau nỗ lực để nắm bắt các cơ hội trong thập kỷ tới, bằng cách dựa trên nền tảng vững chắc được xây dựng qua nhiều thập kỷ quan hệ đối tác chặt chẽ ở cả cấp chính phủ và doanh nghiệp.

Hợp tác về đổi mới sáng tạo

Singapore và Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo, Singapore và Việt Nam có cơ hội khai thác hệ sinh thái đổi mới của nhau để tìm kiếm đối tác, nguồn vốn và nhân tài.

Sự hợp tác đổi mới của chúng ta đã có được một số động lực thông qua BLOCK71 Sài Gòn (dự án hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Becamex IDC của Việt Nam, nơi có hơn 1.000 công ty khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp và chương trình tăng tốc doanh nghiệp) và Văn phòng của Liên minh Đổi mới toàn cầu tại TP.HCM (nơi Enterprise Singapore hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM và Công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures để tạo điều kiện trao đổi các công ty khởi nghiệp giữa hai quốc gia).

Vào tháng 12/2022, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm Công tác Đổi mới sáng tạo Singapore - Việt Nam nhằm kết nối các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Kể từ đó, một số mối quan hệ hợp tác giữa NIC và Viện Giáo dục Đại học Singapore và các tập đoàn như Keppel và UOB đã được thiết lập.

Kết nối năng lượng

Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và phát triển lưới điện khu vực sẽ không chỉ hỗ trợ các nỗ lực khử carbon của chúng ta, mà còn thúc đẩy khả năng kết nối cơ sở hạ tầng trên phạm vi rộng lớn hơn, giúp thúc đẩy các mục tiêu về năng lượng bền vững của khu vực.

Giống như Dự án Tích hợp điện năng rộng hơn có sự tham gia của bốn nước Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore (còn gọi là Dự án LTMS-PIP) - đóng vai trò là dự án mở đường quan trọng nhằm thúc đẩy kết nối khu vực, sự hợp tác giữa Việt Nam và Singapore có thể đóng góp cho tầm nhìn Lưới điện ASEAN.

Bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng được ký vào tháng 10/2022 đã mở đường cho hai bên đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, mua bán điện xuyên biên giới, thị trường điện và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng như theo đuổi phát triển carbon thấp.

Các doanh nghiệp Singapore cũng đang tham gia phát triển ngành năng lượng của Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội được mở ra sau khi Quy hoạch Phát triển điện lực VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023. Trong lĩnh vực năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, Tập đoàn Singapore Power (SP) đã vào Việt Nam năm 2020 và thiết lập sự hiện diện tại Hà Nội và TP.HCM. Gần đây, tập đoàn này đã mua lại hai trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn ở tỉnh Phú Yên, với công suất 130 GWh điện sạch hàng năm, từ đó hỗ trợ Việt Nam giảm lượng khí thải carbon lên tới 105.000 tấn/năm.

Hợp tác phát triển bền vững

Singapore và Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh hành động về khí hậu nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Thị trường carbon có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia nỗ lực giảm lượng carbon, đặc biệt trong các lĩnh vực khó giảm thiểu.

Tháng 10/2022, Singapore và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về tín chỉ carbon, phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Điều này đặt cả Singapore và Việt Nam vào vị thế tuyệt vời để nắm bắt các cơ hội do thị trường carbon tạo ra. Chúng tôi mong muốn được cùng thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon trong những năm tới. Các dự án của chúng ta có thể giúp thúc đẩy thị trường carbon sôi động hơn trong khu vực.

Những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được những năm gần đây giữa hai chính phủ và giữa khu vực tư nhân của hai nước là rất đáng khích lệ. Vẫn còn nhiều cơ hội để chúng ta tăng cường quan hệ đối tác hiện có và tìm kiếm những cơ hội mới trong những lĩnh vực mới nổi trong thời kỳ tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam.

Với những nỗ lực không ngừng của chúng ta, tôi tin tưởng rằng, những mục tiêu mà chúng ta theo đuổi sẽ đưa mối quan hệ kinh tế Singapore - Việt Nam lên tầm cao hơn nữa trong thập kỷ tới.

Một năm đặc biệt quan trọng

Năm 2023 là một năm đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ song phương giữa Singapore và Việt Nam, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao của hai nước và một thập kỷ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Điều này được đánh dấu bằng hàng loạt chuyến thăm cấp cao giữa hai nước: chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính từ ngày 8 đến 10/2/2023, chuyến thăm Singapore của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn từ ngày 17 đến 18/7/2023, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ ngày 27 đến 29/8/2023, cùng Hội nghị cấp bộ trưởng về Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore lần thứ 17, ngày 27/8/2023.

Tôi đã đến thăm Hà Nội từ ngày 5 - 7/7 và gặp gỡ các đại diện từ nhiều bộ, ngành. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận thực chất về cách Singapore và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong bối cảnh Việt Nam tận dụng các cơ hội do nền kinh tế xanh và kinh tế số mang lại. Tôi cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc nâng cấp Hiệp định Khung kết nối Việt Nam - Singapore và mở rộng phạm vi của hiệp định này sang các lĩnh vực năng lượng mới, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

Trong chuyến thăm này, tôi đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SRBF) lần thứ 7 với tư cách là khách mời danh dự và chứng kiến lễ ký kết 12 biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp và tổ chức của hai nước, tham dự lễ ra mắt chương trình hỗ trợ xã hội của doanh nghiệp của Ngân hàng United Oversea. Đây là lần đầu tiên SRBF được tổ chức bên ngoài Singapore và Việt Nam được chọn vì nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp đến từ Singapore và Việt Nam cũng như từ các quốc gia khác.

Tin bài liên quan