Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài, bài học với Việt Nam

Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài, bài học với Việt Nam

(ĐTCK) Những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là gợi mở để Việt Nam hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới.

> Nhà đầu tư Việt Nam khó mua cổ phiếu ở TTCK ngoại

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Hiện tại, Nhật Bản đã tự do hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nước này thực hiện chính sách mở cửa đầu tư ra nước ngoài theo lộ trình chắc chắn và có tính toán. Việc tự do hóa đầu tư ra nước ngoài chỉ thực hiện khi nền kinh tế và các DN Nhật Bản có tiềm lực tài chính mạnh, quy mô sản xuất tốt và cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài để tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong nước.

Thực tế cho thấy, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản tăng tỷ lệ thuận so với dự trữ ngoại tệ của nước này. Năm 2008, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản vượt qua con số 130 tỷ USD. Ở thời điểm đó, dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản cũng vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện tại có những điểm giống Nhật Bản vào những năm 1970, với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu trực tiếp, giá trị nhập siêu cao, cán cân thanh toán quốc tế chưa được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ ít, chính sách về tiền tệ tuy đã được nới rộng hơn nhưng vẫn được quản lý chặt chẽ bởi Chính phủ. Do vậy, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới vẫn cần phải được kiểm soát để có thể điều tiết dòng tiền ra vào hợp lý, bảo đảm cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.

 

Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài, bài học với Việt Nam ảnh 1

Diễn đàn DN Việt Nam - Nhật Bản, một hoạt động xúc tiến đầu tư do JETRO tổ chức

 

Tuy nhiên, cũng do ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên Việt Nam cần phải chủ động mở cửa đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phù hợp với lộ trình phát triển của mình, bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế từ bên ngoài cho phát triển kinh tế trong nước.

Mục tiêu chính trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản là tận dụng tất cả các cơ hội tốt nhất để mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả xuất khẩu từ trong nước ra, xuất khẩu tại chỗ và xuất khẩu sang nước thứ ba) của các DN Nhật Bản. Do vậy, các DN Nhật Bản có chiến lược đầu tư theo từng thời điểm, từng địa bàn, từng đối tác rất cụ thể và rõ ràng. Sự hỗ trợ của Chính phủ và chiến lược tiếp cận đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản đều xoay quanh mục tiêu đó. Đây là kinh nghiệm hay cho các cơ quan hoạch định chính sách và các DN của Việt Nam trong việc định hướng chiến lược ưu tiên đầu tư ra nước ngoài.

Nhật Bản cũng lo ngại đầu tư ra nước ngoài làm rỗng nền kinh tế và làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp trong nước. Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản đã sớm có chính sách khuyến khích các DN Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài sử dụng lao động quản lý là người Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản có chính sách phân khúc thị trường thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tập trung sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao và có chính sách đào tạo cho người lao động trong nước để phát triển những ngành công nghệ mới, sản xuất những sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này của Nhật Bản để có chính sách phù hợp giữa phát triển kinh tế trong nước kết hợp với thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Cả thời kỳ dài, Nhật Bản dùng chính sách đồng tiền yếu để thúc đẩy xuất khẩu, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ. Khi có đủ lực và đồng Yên mạnh lên so với USD và một số đồng tiền mạnh khác trên thế giới, Nhật Bản mới thúc đẩy đầu tư ra bên ngoài để mở rộng quy mô hoạt động của DN và duy trì khả năng xuất khẩu cao. Điều này cho thấy, Chính phủ Nhật Bản đã thành công trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để điều tiết sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đạt hiệu quả nhất.

Nhật Bản cũng đã hình thành được hệ thống công cụ hỗ trợ các NĐT ra nước ngoài rất hiệu quả gồm: xúc tiến tìm kiếm trị trường (thông qua Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO); hỗ trợ tài chính để triển khai các dự án đầu tư (thông qua hoạt động của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JBIC); hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nước tiếp nhận đầu tư (thông qua nguồn viện trợ nước ngoài ODA của Chính phủ Nhật Bản) và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của NĐT thông qua quan hệ cấp chính phủ và các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết với các quốc gia trên khắp thế giới.

 

Kinh nghiệm Hàn Quốc

Theo Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc, tính đến hết năm 2008, Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài 43.238 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài đạt khoảng 116,3 tỷ USD; trong đó, năm 2006 đạt trên 10 tỷ USD, 2 năm 2007 và 2008 đều vượt qua ngưỡng 20 tỷ USD mỗi năm.

Tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện chính sách mở cửa đầu tư ra nước ngoài theo lộ trình và chỉ thực hiện chính sách tự do hóa đầu tư ra nước ngoài khi nền kinh tế đã có thặng dư về cán cân thanh toán, có dự trữ ngoại tệ cao, tiềm lực của nền kinh tế nói chung và của DN Hàn Quốc đã đủ mạnh và có nhu cầu mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài. Hiện tại, Hàn Quốc đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ cấp phép đầu tư ra nước ngoài.

Điều kiện của Việt Nam hiện nay cũng có nhiều điểm giống với Hàn Quốc trước những năm 1980. Thời điểm đó, Hàn Quốc hạn chế đầu tư ra nước ngoài và áp dụng chế độ cấp phép đầu tư ra nước ngoài.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tối đa các can thiệp hành chính vào công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, một số chức năng quản lý nhà nước được ủy thác thông qua các tổ chức trung gian như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Ngân hàng này được giao chức năng tổng hợp, theo dõi báo cáo các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc về hoạt động của các dự án đầu tư tại nước ngoài. Chính sách về đầu tư ra nước ngoài chủ yếu mang tính định hướng và hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Cũng tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc đã hình thành được hệ thống các công cụ hỗ trợ các NĐT ra nước ngoài rất hiệu quả. Việc xúc tiến tìm kiếm thị trường (được hỗ trợ thông qua Tổ chức Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc - KOTRA); việc hỗ trợ tài chính để triển khai các dự án đầu tư (được hỗ trợ thông qua hoạt động Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc); hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nước tiếp nhận đầu tư (thông qua nguồn viện trợ nước ngoài ODA của Chính phủ Hàn Quốc) và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của NĐT thông qua quan hệ cấp chính phủ và các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết với các quốc gia trên toàn thế giới.

Những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài qua các thời kỳ của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là gợi mở để Việt Nam căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới.