Quan ngại về chất lượng quản trị công ty

(ĐTCK) Mặc dù đã có nhiều cải thiện thời gian qua, song quản trị công ty tốt vẫn là khái niệm xa xỉ tại Việt Nam. Đây là đánh giá rất thẳng thắn của Ban soạn thảo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi khi chia sẻ về các kết quả nghiên cứu khảo sát thực trạng quản trị doanh nghiệp công ty gần đây.
Quan ngại về chất lượng quản trị công ty

Phân tích Báo cáo đánh giá quản trị công ty các công ty niêm yết năm 2019, đại diện Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chỉ ra rằng, các kết quả đã thể hiện rõ quản trị công ty tốt là yếu tố quyết định để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thống kê điểm số quản trị công ty của các công ty niêm yết cho thấy, có sự phân hóa thành 3 nhóm với sự phân hóa rất rõ các chỉ tiêu kinh tế như lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Theo đó, ở 135 công ty có điểm quản trị thấp nhất, ROA và ROE bình quân đạt lần lượt 5,56% và 10,65%; trong khi ở 135 công ty thuộc nhóm điểm cao nhất, 2 chỉ số này lần lượt đạt 7,84% và 15,27%.

Nhóm có điểm quản trị trung bình với 146 công ty, tỷ lệ này đạt 6,83% và 13,15%. 

Đáng chú ý, báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, với tiêu chí trách nhiệm người quản lý và sự dễ dàng trong khởi kiện, điểm số của Việt Nam chỉ đạt lần lượt 4/10 và 2/10 điểm, thấp xa so với các nước Top đầu trong khu vực ASEAN.

Tương tự, các kết quả xếp hạng thẻ điểm quản trị ASEAN gần đây cũng cho thấy, điểm số của Việt Nam mới chỉ đạt 41/120 điểm, chưa vượt qua được mức trung bình kém.

Điểm số này thậm chí được đánh giá là chưa vượt qua được Philippines, nước có thứ hạng cách khá xa so với Việt Nam ở tiêu chí bảo vệ cổ đông theo đánh giá của WB, mà lý do là vì thực tiễn thực thi của Việt Nam kém hơn dù khung pháp luật tốt hơn.

“Đánh giá của WB về thực trạng bảo vệ cổ đông - tiêu chí quyết định đánh giá quản trị công ty tốt - cho thấy, chất lượng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam được cải thiện rất chậm. Nếu luật pháp chưa bảo vệ tốt lợi ích nhà đầu tư thì họ khó có thể yên tâm bỏ vốn vào doanh nghiệp, thay vì gửi tiết kiệm hay đầu tư vào kênh khác”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự trì trệ trong cải thiện chất lượng quản trị công ty đang là vật cản kéo lùi sự phát triển của các doanh nghiệp một cách đáng lo ngại.

“Với việc đưa vào thực thi Luật Doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây, việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã cải thiện khá tích cực, nhưng ngược lại, mảng quản trị vẫn chưa thay đổi nhiều. Chất lượng quản trị công ty vẫn chưa được nâng lên.

Nhiều công ty cổ phần vẫn do các thành viên trong gia đình quản trị, điều hành với cách thức quản trị không tuân theo các thông lệ tốt”, ông Tuấn nhận xét.

Theo chuyên gia này, để cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp Việt Nam, cần thiết phải có hiệp hội về quản trị doanh nghiệp, qua đó nâng cao được nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò của công tác quản trị với hiệu quả sản xuất - kinh doanh cũng như nắm được những thông lệ quản trị tốt.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, khung khổ pháp luật chỉ là một yếu tố, tự doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của quản trị và vượt lên trên cả sự tuân thủ vì lợi ích của chính mình.

Tin bài liên quan