Quản trị công ty: Làm gì để tạo nên sức mạnh?

Quản trị công ty: Làm gì để tạo nên sức mạnh?

(ĐTCK) Tổng giám đốc (CEO) nếu chỉ tập trung xử lý các vấn đề về vận hành thì công ty không thể có hiệu quả tối ưu. 

Quyền lợi luôn đi kèm với trách nhiệm, đây là nguyên tắc căn bản trong cuộc sống cũng như việc quản trị công ty. Đối với hội đồng quản trị, những người nhận được sự tin tưởng của cổ đông, nhân viên, khách hàng, các bên liên quan và xã hội nói chung, trách nhiệm của họ vì thế rất lớn.

Trước hết, các doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, để từ đó có thể phát huy được sự hiệu quả trong quản trị, tạo ra giá trị gia tăng cho tất cả các đối tượng liên quan tới công ty.

Đối với các tập đoàn vĩ đại nhất thế giới, những người đứng đầu đều nhận thức được từ khi khởi sự, công việc kinh doanh không chỉ để làm giàu, mà bản chất của kinh doanh là phải phụng sự, có trách nhiệm toàn diện với xã hội. Đây chính là nền tảng để các tập đoàn có thể lớn mạnh và hướng tới việc trường tồn. 

Các bậc phụ huynh ngày nay đều muốn con em mình học tập trong những môi trường giáo dục tốt nhất, chuẩn quốc tế hoặc nếu có điều kiện thì du học tại các quốc gia phát triển, vì môi trường, văn hóa, con người… sẽ hình thành nên những tư duy tốt, tạo nền tảng vững chắc để các em bước vào cuộc sống thực sự.

Tương tự, doanh nghiệp là “đứa con tinh thần” của một doanh nhân, doanh nghiệp muốn tốt lên bắt buộc phải hòa nhập để hướng tới những chuẩn mực cao hơn, chỉ tuân thủ và chấp hành các quy định pháp lý thôi là chưa đủ.

Những quy định này nặng về tính minh bạch, việc công bố thông tin của công ty. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo việc công ty hoạt động thực sự hiệu quả. Các quy định này nên được xem là yêu cầu tối thiểu cần có của một doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Đối với các quốc gia đã phát triển, nhiều yêu cầu tối thiểu của họ đang là những chuẩn mực mà doanh nghiệp Việt cần hướng tới.

Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có trách nhiệm cao với việc công bố thông tin, dẫn tới việc sơ sài, chậm trễ hoặc sai sót và nhiều lúc công bố một đằng làm một nẻo, vì chưa có chế tài đủ mạnh để buộc họ phải làm đúng.

Với nhóm 30 công ty niêm yết trên sàn, tạm gọi là nhóm tinh hoa nhất, việc công bố thông tin tốt hơn và kịp thời, minh bạch hơn và nhóm này đang hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông tốt hơn, mặc dù vẫn còn không ít bất cập.

Các chuẩn mực quản trị quốc tế yêu cầu nhiều và cụ thể hơn như vậy, ví dụ Bộ nguyên tắc quản trị công ty G20/OCED được tham gia xây dựng bởi rất nhiều quốc gia, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Nhóm Ngân hàng Thế giới sửa đổi và Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) hoàn thiện qua các năm.

Về căn bản, các nguyên tắc này ngoài việc yêu cầu minh bạch, công bố thông tin, còn hướng tới việc công bằng với các cổ đông (công bằng khác với bằng nhau), vai trò và quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời yêu cầu khắt khe hơn về trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, hoặc các tổ chức lớn khác khi đầu tư vào các công ty Việt Nam phản ánh, họ thấy có nhiều điều rất khác với doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển, nếu không muốn nói là “kỳ lạ”.

Ví dụ, tại Việt Nam, chủ tịch mới là người quyền lực nhất công ty, trong khi ở nước ngoài, giám đốc điều hành (CEO) hầu như có toàn quyền quyết định; CEO có thể bị hội đồng quản trị sa thải nếu không làm tốt, nhưng CEO mới là người thực thi, tác động rất lớn tới hiệu quả hoạt động của một công ty.

Ở doanh nghiệp Việt Nam, chủ tịch thường kiêm nhiệm luôn chức danh CEO, hay những thành viên hội đồng quản trị có tuổi đời quá trẻ, nắm giữ số lượng cổ phần rất lớn, mà không rõ vai trò thực sự của người này là gì, hay là chỉ “đứng tên” cho đủ số lượng.

Nhiều tổ chức rót vốn vào doanh nghiệp còn nhận được sự thắc mắc của ban điều hành là vai trò của nhà đầu tư trong doanh nghiệp của họ là gì, cho nên việc họ đi kiếm một ban điều hành chỉ cần “thân thiện” với nhà đầu tư thôi đã rất khó khăn.

Tại các thị trường phát triển, kỹ năng cao nhất của một CEO là việc phân bổ vốn, nguồn lực của công ty một cách hiệu quả. Để làm được điều này, bộ máy của một công ty cần phân tán trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định trong thẩm quyền.

Không cần quá nhiều người tham gia vào các quyết định, đảm bảo khâu vận hành kinh doanh của công ty tinh gọn nhất.

Lúc này, CEO mới có thời gian lên chiến lược phân bổ vốn, vì một CEO chỉ tập trung vào xử lý các vấn đề về vận hành thì công ty không thể có hiệu quả tối ưu được, nói một cách đơn giản là các CEO phải có tư duy của một nhà đầu tư.

Điều này giải thích tại sao một số doanh nghiệp có điểm quản trị cao, nhưng giá trị mang lại cho cổ đông không lớn.

Có một điều thường thấy ở thị trường chứng khoán Việt Nam, các công ty chia cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm được cho là có dòng tiền mạnh và là công ty tốt.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên quan điểm tối ưu cho cổ đông thì đây không phải là quyết định tốt nhất, vì cổ tức bằng tiền bị đánh thuế hai lần, các công ty dường như giữ một tỷ lệ cổ tức cố định (% trên mệnh giá) mà không giải thích rõ lý do vì sao có mức cổ tức này, với kế hoạch kinh doanh năm sau thì nhu cầu vốn dự kiến lưu động cũng như dài hạn cần bao nhiêu là hợp lý.

Nếu trả lời được thấu đáo câu hỏi này sẽ thấy được độ sâu về quản trị và bề rộng trong kiến thức chuyên môn của một CEO, đồng thời trên quan điểm lợi ích đồng nhất giữa các ban lãnh đạo và cổ đông.

Đối với một công ty mà ban lãnh đạo xác định trong vài năm tới không có cơ hội tăng trưởng và cơ hội đầu tư nào tốt thì cách tốt nhất là trả một tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao, việc giữ lại lợi nhuận tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh sinh lời trung bình về dài hạn sẽ không tối ưu cho cổ đông.

Hầu hết các CEO ở Việt Nam không tư duy như nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài luôn đặt câu hỏi tại sao một CEO lại không nắm giữ một lượng cổ phần tương đối của một công ty, động cơ nào để CEO này gắn bó lợi ích với công ty và điều gì đảm bảo họ không đảo ngược giá trị từ cổ đông thành các khoản lương thưởng hoặc ESOP rất lớn mà không chịu bất kỳ rủi ro nào?

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ căn cứ lượng cổ phiếu mà CEO nắm giữ tính trên tổng thu nhập mà người đó nhận được từ công ty, vì vậy, đây cũng là một nguyên tắc quan trọng thể hiện lợi ích đồng nhất.

Logic đơn giản của họ là nếu các CEO không suy nghĩ như một nhà đầu tư thì họ không thể thấu hiểu và đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư khác.

Việc hướng tới những chuẩn mực quốc tế, ngoài giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn, còn giúp doanh nghiệp thu hút được những nguồn vốn mới một cách dễ dàng, giá trị của doanh nghiệp sẽ luôn được nhìn nhận đúng và cơ cấu cổ đông sẽ chủ yếu bao gồm các cổ đông dài hạn, gắn bó và đóng góp vào quá trình phát triển thực sự của công ty.

Từ đó, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, nền kinh tế và quá trình này mới thực sự thể hiện một doanh nhân đang “đúng việc”.

Quản trị công ty: Làm gì để tạo nên sức mạnh? ảnh 1
Tin bài liên quan