Sau cổ phần hóa, có những công ty phải gồng mình hỗ trợ địa phương giải quyết công ăn việc làm

Sau cổ phần hóa, có những công ty phải gồng mình hỗ trợ địa phương giải quyết công ăn việc làm

Quản trị doanh nghiệp có vốn nhà nước, khó “phân vai”

(ĐTCK) Thực tế tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước cho thấy, vai trò quá lớn của cổ đông Nhà nước khiến các cổ đông còn lại bị thiệt thòi, nhất là khi những nguyên tắc quan trọng trong quản trị doanh nghiệp như hiệu quả kinh tế bị lẫn lộn.

“Chúng ta không phải doanh nghiệp công ích”

5 năm trước, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của một công ty cổ phần diễn ra khá căng thẳng. Một nhóm cổ đông đại diện cho 25% vốn điều lệ muốn doanh nghiệp dừng một mảng kinh doanh vì mảng này chiếm gần 40% lượng vốn của công ty, nhưng không có lãi. Trong khi đó, công ty đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất khá cao để tài trợ cho mảng kinh doanh còn lại, có tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư 15%/năm. Tuy nhiên, đề xuất của nhóm cổ đông lớn nói trên bị từ chối, bởi một lý do rất bất ngờ.

“Công ty là doanh nghiệp nòng cốt của tỉnh. Đây là hoạt động mang tính truyền thống của chúng ta, hiện giải quyết công ăn việc làm cho hơn 600 lao động, chưa kể hỗ trợ được người dân tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh là chúng ta tiếp tục hỗ trợ địa phương giải quyết công ăn việc làm, phát huy tiếp truyền thống doanh nghiệp.

Thực tế, công ty không bị lỗ từ hoạt động này. Về nhu cầu vốn, công ty vẫn đang có nguồn tài trợ từ ngân hàng, đẩy nhanh thu tiền khách hàng. Lãi suất có tăng sẽ có giảm, ban lãnh đạo công ty có trách nhiệm khắc phục khó khăn, nhưng không thể sa thải ồ ạt người lao động”, đại diện cổ đông Nhà nước sở hữu 51% vốn điều lệ phủ quyết đề xuất của cổ đông bên ngoài.

“Chúng ta không phải doanh nghiệp công ích”, đại diện nhóm cổ đông bên ngoài bức xúc phát biểu, nhưng không lay chuyển được ý định của vị đại diện vốn nhà nước.

Một câu chuyện tương tự khác diễn ra ở một công ty dược đã đại chúng hóa, với tỷ lệ sở hữu cổ đông Nhà nước trên 30%. Suốt một thời gian dài, công ty này duy trì một mảng kinh doanh có lợi nhuận là con số âm, dù chi phí đầu tư dây chuyền nhà máy không lớn. Lý do duy nhất của việc này là mảng hoạt động trên đang tạo công ăn việc làm cho hơn 400 người lao động, nên không thể đóng cửa được. Vì thế, dù những mảng kinh doanh khác lãi lớn, nhưng kết quả kinh doanh chung của công ty vẫn không thể bứt lên. 

Những quyết định phi kinh tế vì yếu tố… ngành nghề

Nếu như câu chuyện “đất vàng” tại Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang “nóng”, thì câu chuyện này tại Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại có diễn biến khác khi Sabeco đã hợp tác đất vàng trên đường Hai Bà Trưng, TP. HCM với đối tác trong quá khứ.

Tại một số cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Sabeco trước đây (trước khi hợp tác “đất vàng” với đối tác), các cổ đông rất quan tâm đến vấn đề sử dụng “đất vàng”. Thế nhưng, Tổng công ty cho biết, không thể tự khai thác đất được vì nếu phát triển dự án tại đây lớn, Sabeco vẫn là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối, trong khi nếu xây dự án sẽ không thể sử dụng hết mà phải cho thuê. Điều này tương đương với việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, trái với ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty.

Hai câu chuyện, hai vấn đề, nhưng suy đến cùng đều chung mối lo thiệt thòi của các đồng sở hữu tham gia vào Habeco, Sabeco. Ở Sabeco, yếu tố vốn nhà nước làm họ mất cơ hội kiếm lời từ phát triển dự án bất động sản, thì ở Habeco, nếu bây giờ tách quyền thuê đất tại Habeco ra khỏi doanh nghiệp thì những cổ đông đã đầu tư vào Habeco sẽ bị thiệt thòi.

Trước đó, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước khác đã có những quyết định phi kinh tế, chỉ vì lý do đầu tư ngoài ngành, hoặc phương án tăng vốn để mở rộng sản xuất không được thông qua do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc chủ trương thoái vốncủa Nhà nước.

Đã nhiều lần, khi nói đến vai trò doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, các chuyên gia kinh tế nhắc tới câu chuyện tách bạch vai trò cổ đông Nhà nước với doanh nghiệp. Ở vai trò kinh tế nhà nước, trách nhiệm không chỉ là làm giàu cho ngân sách quốc gia, mà còn cả các vấn đề thuộc về lợi ích cộng đồng, trách nhiệm xã hội. Và đôi khi, vì những trách nhiệm đó, câu chuyện hiệu quả kinh tế tính theo con số lợi nhuận không phải là ưu tiên số 1, dù doanh nghiệp đã là công ty cổ phần.

Tuy nhiên, sẽ là hợp lý hơn nếu những mục tiêu cộng đồng được giao cho doanh nghiệp chuyên trách. Còn đã là doanh nghiệp làm kinh tế, hiệu quả kinh tế phải được ưu tiên.

Bao giờ việc phân vai mới được thực hiện rõ ràng khi tại không ít doanh nghiệp, sự lẫn lộn vẫn đang diễn ra?

Tin bài liên quan