Ông có thể chia sẻ góc nhìn về hệ thống quản trị tài chính công của Việt Nam hiện nay, đặc biệt xét trên các khía cạnh minh bạch, trách nhiệm giải trình và kỷ luật tài khóa?
Trong vòng một thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong cải cách quản trị tài chính công, đặc biệt là trong việc củng cố kỷ luật tài khóa và nâng cao ổn định kinh tế vĩ mô. Những nỗ lực thể chế hóa tính minh bạch ngân sách, công bố công khai các tài liệu ngân sách và từng bước triển khai kiểm toán doanh nghiệp nhà nước theo thông lệ quốc tế cho thấy quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trên toàn hệ thống. Việc áp dụng đồng bộ các cơ chế giám sát độc lập, tiêu chuẩn dữ liệu mở, cũng như tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và phân bổ ngân sách sẽ là những bước đi cần thiết nhằm củng cố niềm tin công chúng vào quản lý tài chính quốc gia.
![]() |
Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách & Nghiên cứu Chuyên sâu của ACCA toàn cầu |
Thực tế hiện nay, sự phân mảnh trong hệ thống báo cáo và hạn chế trong khả năng kết nối giữa các cơ quan vẫn đang khiến bức tranh tài khóa tổng thể trở nên thiếu rõ ràng và khó nắm bắt.
Điểm sáng lớn nhất, theo đánh giá của tôi, chính là tinh thần cải cách kiên định của Việt Nam. Song, như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, việc duy trì động lực cải cách đòi hỏi đầu tư bài bản vào năng lực thể chế và xây dựng một văn hóa quản trị hướng tới đổi mới liên tục. Tính minh bạch không chỉ là một quy trình kỹ thuật, mà nó cần là giá trị cốt lõi được thấm nhuần trong tư duy lãnh đạo và hoạt động điều hành ở mọi cấp chính quyền.
Việt Nam đang triển khai nhiều cải cách nhằm hiện đại hóa hệ thống tài chính công, bao gồm số hóa, khung chi tiêu trung hạn và quản lý nợ công hiệu quả hơn. Theo quan điểm của ông, đâu là những nút thắt hoặc thách thức cản trở quá trình thực thi hiệu quả các cải cách này?
Chương trình cải cách tài chính công của Việt Nam được đánh giá là đầy tham vọng và định hướng đúng đắn, tập trung vào các trụ cột then chốt của quản trị tài chính hiện đại như số hóa, phân bổ ngân sách dựa trên hiệu quả và quản lý rủi ro tài khóa. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn đang gặp phải những rào cản quen thuộc như hệ thống thông tin cục bộ, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành và năng lực chuyên môn chưa đồng đều ở cấp địa phương.
Đơn cử, công cuộc số hóa không chỉ đơn thuần là việc đầu tư vào phần mềm hay thiết bị, mà là câu chuyện về khả năng tích hợp, khả năng tương tác hệ thống và quản trị thay đổi. Việc xây dựng một kiến trúc dữ liệu tài chính tập trung, có thể hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực đòi hỏi phải phá vỡ các “hộp kín” về thể chế và chuẩn hóa các tiêu chuẩn dữ liệu trên toàn hệ thống.
Năng lực triển khai cũng là một trở ngại lớn. Các công cụ như khung chi tiêu trung hạn hay phân bổ ngân sách dựa trên kết quả yêu cầu đội ngũ cán bộ có kỹ năng phân tích, năng lực dự báo và thấu hiểu về cân đối chính sách. Đây đều là những năng lực cần được đầu tư và nuôi dưỡng đồng bộ trong toàn bộ khu vực công.
Để vượt qua những nút thắt này, Việt Nam cần một cách tiếp cận mang tính tổng thể, liên thông toàn bộ hệ thống Chính phủ, nơi các cải cách không được thực hiện đơn lẻ mà trở thành một phần trong chiến lược quản trị tài khóa nhất quán. Việc tham khảo các chuẩn mực quốc tế, đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực và hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp như ACCA để nâng cao kỹ năng chuyên môn sẽ là những giải pháp thiết thực giúp tăng tốc tiến trình cải cách.
Để đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả và gia tăng giá trị đồng tiền trong chi tiêu công, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện những cải cách nào trong thời gian tới?
Quản trị tài chính công không phải là một chức năng hậu cần thuần túy, mà chính là đòn bẩy chiến lược cho phát triển quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đảm bảo rằng từng đồng chi tiêu công đều đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng bao trùm, nâng cao năng suất và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Một hệ thống tài chính công hiệu quả là nền tảng cho mọi lĩnh vực, từ triển khai hạ tầng đến nâng cao chất lượng giáo dục. Nó củng cố niềm tin của nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro tài khóa, đồng thời nâng cao năng lực phản ứng của Nhà nước trước các cú sốc kinh tế, môi trường, hoặc địa chính trị.
Để đạt được điều đó, Việt Nam cần ưu tiên triển khai một loạt cải cách thiết yếu. Trước hết, cần tăng cường mối liên kết giữa chiến lược phát triển và quy trình lập ngân sách. Việc đảm bảo các ưu tiên chính sách được định lượng cụ thể và có nguồn lực tài chính đầy đủ là điều kiện tiên quyết để phân bổ ngân sách hiệu quả, giảm thiểu lãng phí và nâng cao kỷ luật tài khóa.
Tiếp theo, cần chú trọng hoàn thiện hệ thống kiểm toán nhà nước và cải cách quy trình mua sắm công. Đây là các công cụ quan trọng để tăng cường minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và phòng ngừa tham nhũng. Đánh giá chi tiêu dựa trên kết quả đầu ra sẽ giúp đảm bảo rằng mỗi khoản đầu tư công đều mang lại giá trị thực sự cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một trụ cột không thể thiếu trong chương trình cải cách là thể chế hóa tài chính công xanh. Bằng cách tích hợp các tiêu chí môi trường và xã hội vào mọi quyết định chi tiêu, Việt Nam có thể tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giải quyết các thách thức về bất bình đẳng. Tài chính công xanh không chỉ là một lựa chọn mang tính đạo đức mà còn là một chiến lược tất yếu.
Cuối cùng, việc hiện đại hóa chức năng kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập là điều cấp thiết để nâng cao năng lực giám sát theo thời gian thực và ngăn ngừa thất thoát ngân sách. Khi hệ thống kiểm toán cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và có giá trị cảnh báo, Chính phủ sẽ có thể điều chỉnh chính sách nhanh chóng, từ đó xây dựng văn hóa trách nhiệm giải trình và củng cố niềm tin của người dân.
Tổng thể, các cải cách này tạo nên một khung quản trị tích hợp giúp Việt Nam quản lý tài chính công hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, toàn diện và độc lập. Bởi cuối cùng, cải cách tài chính công không chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật mà là yêu cầu về năng lực điều hành, thể chế vững mạnh và đội ngũ tài chính công chuyên nghiệp. Tại ACCA, chúng tôi tin rằng, giới chuyên môn tài chính có vai trò then chốt trong việc kiến tạo tương lai cho khu vực công và sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình đó.
Ứng dụng công nghệ số đang làm thay đổi căn bản cách thức vận hành của ngành kiểm toán công, từ mô hình giám sát truyền thống sang vai trò chủ động kiến tạo giá trị công và thúc đẩy minh bạch tài khóa. Đây là thông điệp xuyên suốt tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn kiểm toán công: Ứng dụng công nghệ trong ngành kiểm toán”, do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tổ chức vào ngày 22/5/2025 tại Hà Nội.
Theo ACCA, kiểm toán công trong kỷ nguyên số không chỉ là công cụ kiểm soát, mà là động lực định hình một hệ sinh thái tài chính công minh bạch, công bằng và bền vững hơn. Các cơ quan kiểm toán cần tái thiết năng lực công nghệ, nâng cấp kỹ năng số cho đội ngũ và đổi mới tư duy, từ “đánh giá quá khứ” sang “dự báo tương lai”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam nhấn mạnh: “Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và chuyển đổi số đang tạo nên cuộc cách mạng trong cách quản lý và kiểm toán tài chính công. Nhiều quốc gia đã áp dụng hệ thống theo dõi ngân sách thời gian thực, kiểm toán viên sử dụng AI để phát hiện gian lận, dự báo thu chi, và đánh giá hiệu quả chương trình công ở tốc độ chưa từng có”.
Ông Hưng cũng cho rằng, kiểm toán công hiện đại cần vượt ra khỏi phạm vi tuân thủ, để trở thành công cụ chiến lược trong thúc đẩy hiệu quả chính sách, củng cố kỷ luật tài khóa và tạo lập niềm tin với công chúng…
Sự kiện cũng gợi mở các xu hướng kiểm toán công hiện đại như kiểm toán giá trị tiền tệ (value-for-money), kiểm toán môi trường - khí hậu và kiểm toán số. Đây là những lĩnh vực mà ACCA cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc cập nhật chuẩn mực, chuyển giao tri thức và xây dựng năng lực thực tiễn.