Quảng Ngãi định hình trung tâm logistics

Quảng Ngãi định hình trung tâm logistics

0:00 / 0:00
0:00
Với lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển, khu kinh tế, Quảng Ngãi đang có cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển logistics. Trung tâm Logistics Dung Quất được định hướng đầu tư là trung tâm logistics cấp vùng.

Cơ hội lớn

Quảng Ngãi nằm ở vị trí thuận lợi trên trục kinh tế Bắc - Nam của đất nước, trục kinh tế Đông - Tây kết nối khu vực biển Đông - Đông Nam Á, có khả năng kết nối nội tỉnh, ngoại tỉnh và quốc tế rất tốt cùng hạ tầng giao thông sẵn có.

Về đường bộ, Quảng Ngãi có hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A đi qua các địa bàn trọng điểm kinh tế của tỉnh, có Quốc lộ 24 kết nối chiều Đông - Tây. Ngoài ra, khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được hình thành sẽ tạo ra động lực mới để thúc đẩy giao thông đường bộ.

Về đường biển, theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục cảng biển Việt Nam, Quảng Ngãi được quy hoạch cảng biển loại I với Khu bến Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 50.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải lên đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, lớn nhất trong các cảng ở khu vực (chỉ sau các khu bến Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa).

Về đường hàng không, Quảng Ngãi được hưởng lợi từ Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam), một trong 2 cảng hàng không chính của khu vực.

Ngoài các điều kiện về hạ tầng giao thông kết nối, Quảng Ngãi còn có Khu kinh tế Dung Quất với quy mô hơn 45.000 ha, một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước và là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng.

Hơn nữa, nhu cầu vận tải và kho bãi hàng hóa qua khu vực miền Trung đang tăng mạnh trong bối cảnh năng lực sản xuất, nhu cầu xuất nhập khẩu phát triển nhanh.

Có thể thấy, Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics, qua đó không chỉ góp phần nâng cao giá trị đóng góp của ngành vào GRDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà còn tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, chế biến của tỉnh.

Hình thành các trung tâm logistics

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo quy hoạch, Quảng Ngãi sẽ đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện; phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, là cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.

Tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư trung tâm logistics cấp vùng tại Khu kinh tế Dung Quất, là đầu mối kết hợp đa phương thức vận tải; nghiên cứu, đề xuất các trung tâm logistics vệ tinh bổ trợ cho trung tâm logistics cấp vùng tại các địa phương, tại các vị trí đấu nối với cao tốc Bắc - Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tâm logistics Dung Quất và trung tâm logistics Đức Phổ (gắn với cảng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại thị xã Đức Phổ) là 2 trung tâm logistics trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm logistics tại Dung Quất sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhanh, tiết kiệm khi đường bộ thuận tiện gồm các tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và trục đường nhánh gồm Quốc lộ 24, 24B, 24C mở rộng được hoàn thành; cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam (nối cửa khẩu Nam Giang) được xây dựng.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch, Quảng Ngãi còn thực hiện 1 đường sắt chuyên dùng nối từ đường sắt Bắc - Nam xuống Cảng Dung Quất.

Ông Phong thông tin thêm, cảng Dung Quất chỉ cách Cảng hàng không Chu Lai 5 km. Trong tương lai, Cảng hàng không Chu Lai được định hướng là trung tâm vận chuyển hành khách và hàng hóa của khu vực miền Trung. Do đó, Cảng Dung Quất sẽ là trung tâm hội tụ để thực hiện dịch vụ logistics nhanh nhất.

“Tỉnh đã bố trí một khu đất quy hoạch tại Dung Quất khoảng 68 - 100 ha để làm xây dựng hệ thống logistics. Để thực hiện hệ thống này, tỉnh cũng đã bố trí thực hiện cảng cạn”, ông Phong cho hay.

Ngoài ra, tại thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) và khu vực Ba Vì - Ba Tiêu (huyện Ba Tơ), Quảng Ngãi sẽ phát triển các trung tâm đầu mối trung chuyển hàng hóa qua tỉnh Kon Tum và xa hơn nữa là Lào gắn liền với dịch vụ hậu cần khai thác và chế biến lâm sản.

Được biết, giữa tháng 11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi các sở, ngành lấy ý kiến đối với đề xuất chấp thuận chủ trương nghiên cứu, đầu tư Dự án Trung tâm logistics tại huyện Ba Tơ của Công ty TNHH Vận tải Đường bộ THILOGI.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nghiên cứu và đề xuất hình thành một trung tâm logistics với Quảng Nam theo hướng trục Cảng nước sâu Dung Quất và Cảng hàng không Chu Lai, theo mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai. Qua đó, tạo động lực để phát triển bứt phá cho cả 2 tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất theo chuỗi công nghiệp công nghệ cao.

Trong danh mục dự án thu hút đầu tư của Quảng Ngãi, có 2 dự án thuộc lĩnh vực logistics, gồm Dự án Khu hậu cần dịch vụ - logistics Cảng hàng không Chu Lai và Dự án Khu hậu cần cảng - logistics Bắc Dung Quất (đều tại huyện Bình Sơn).

Tin bài liên quan