Quảng Ngãi gỡ vướng mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
Dù được cho phép khai thác mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Bắc– Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa khai thác, lãnh đạo Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng phối hợp để tháo gỡ.
Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Chưa có tiếng nói chung với người dân

Mỏ đất Núi Truông Ổi là mỏ đất được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào quy hoạch trên diện tích gần 22,81 ha, có trữ lượng gần 1 triệu m3 và là mỏ đất chính để thi công đoạn đầu tuyến của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Tuy nhiên, công tác thoả thuận đền bù giữa các hộ dân có đất và tài sản trên đất trong phạm vi mỏ Truông Ổi với nhà thầu thi công đang gặp một số vướng mắc liên quan đến việc kiểm đếm cây cối, hoa màu trên đất và chưa thoả thuận.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp Giấy phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng đối với điểm mỏ này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Dacinco (nhà thầu thi công đoạn tuyến Km0+00 -Km3+450 thuộc Gói XL1 của dự án). Mỏ đất này có thời gian khai thác đến hết tháng 12/2025.

Sau đó, doanh nghiệp đã thực hiện xong công tác rà phá bom mìn trên toàn bộ phạm vi mỏ đất và được tư vấn giám sát chấp thuận vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu vẫn không thể tiến hành khai thác do chưa hoàn thành việc thỏa thuận với người dân về mức giá bồi thường cây trồng trên đất.

Đại diện nhà thầu cho biết, dù dự toán chỉ cho phép bồi thường hơn 400 triệu/ha, nhưng đơn vị đã linh động hết mức và đồng ý chi trả 500 triệu/ha để hỗ trợ người dân tuy nhiên, nhiều hộ lại đòi tới 1,3 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, sau khai thác đất, hạ độ cao sẽ được trả lại cho người dân, chứ không thu hồi. Đồng thời, nhà thầu chỉ lấy đất theo cao độ cho phép, trong vòng 2 năm; sau đó người dân vẫn tiếp tục canh tác trên đất bình thường, diện tích vơi đi không nhiều.

Nhà thầu thông tin thêm, hiện chỉ giải phóng mặt bằng được 7/22 ha, còn lại chủ sử dụng đất của 15 ha kiên quyết không chịu.

Theo báo cáo của liên danh nhà thầu, tổng nhu cầu vật liệu đắp cần cho đoạn tuyến từ Km0+00 – Km5 là khoảng 1,4 triệu m3. Hiện nay, các nhà thầu phải sử dụng đất đắp từ một số mỏ khác trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa với cự ly vận chuyển xa gấp nhiều lần, đội chi phí rất cao so với dự toán. Tuy nhiên, năng lực cung ứng của những mỏ này lại có hạn, không thể đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp cho gói thầu, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tổng thể.

Đại diện Ban Quản lý dự án 2 – chủ đầu tư cho hay, ngoài vị trí này thì không còn vị trí mỏ nào khác có thể đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, trữ lượng và cự ly.

“Giá trị bồi thường bị đẩy lên cao sẽ khiến giá thành một mét khối đất thành phẩm cao hơn rất nhiều so với các mỏ thương mại lân cận, không có cơ sở để thực hiện”, đại diện chủ đầu tư lo lắng.

Trong khi đó, đại diện chủ sử dụng đất thì cho rằng, người dân sẵn sàng bàn giao đất để nhà thầu lập mỏ tuy nhiên, nhà thầu phải tôn trọng lợi ích hợp pháp và những cam kết với người dân thông qua các biên bản cuộc họp.

“Công ty đã thỏa thuận với dân là sẽ kiểm đếm, bồi thường cây trồng trên đất theo hiện trạng trước ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, sau đó công ty đã không thực hiện giao kèo”, đại diện chủ sử dụng đất nói.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND xã Nghĩa Kỳ, đến nay nhà thầu Dacinco chưa phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tư Nghĩa tiến hành kiểm đếm cây theo như cam kết và chưa chi trả tiền bồi thường cho người dân.

Đẩy nhanh công tác bồi thường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và hỗ trợ tối đa để đơn vị thi công nhanh chóng tiếp cận mỏ vật liệu, tổ chức khai thác phục vụ dự án. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ nhà thầu trong công tác lập các phương án bồi thường, tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ngoài ra, người dân có đất cũng cần ủng hộ, chia sẻ với công trình trọng điểm quốc gia.

“Chủ đầu tư, nhà thầu phải tích cực đẩy nhanh công tác bồi thường để giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ hỗ trợ hết mức vì mục tiêu chung. Tiến độ nhanh hay chậm phụ thuộc chính vào sự quyết tâm của nhà thầu”, ông Hiền yêu cầu.

Tin bài liên quan