Quảng Trị: Tranh cãi tài sản thế chấp tăng thêm, doanh nghiệp thua kiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND tỉnh Quảng Trị xem xét phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa BIDV và Công ty TNHH một thành viên Hợp Quốc.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo bản án sơ thẩm, để đầu tư dự án nhà máy gạch không nung, năm 2015 - 2016, Công ty TNHH một thành viên Hợp Quốc vay vốn BIDV nhưng không trả nợ đúng hạn.

Hồi tháng 5/2021, tòa sơ thẩm buộc công ty phải thanh toán cho ngân hàng nợ gốc vào lãi các theo hợp đồng tín dụng là 11,1 tỷ đồng.

Trường hợp công ty không trả được nợ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng có quyền xử lý toàn bộ tài sản thế chấp gồm dây chuyền nhà máy sản xuất gạch không nung HF800 kiểu ép tĩnh, xe tải mui phủ Kia, dây chuyền sản xuất gạch không nung, máy xúc. Ngoài ra, còn các tài sản gắn liền với đất của nhà máy sản xuất gạch không nung gồm nhà xưởng sản xuất có diện tích 1.150 m2 tại Khu công nghiệp Quán Ngang, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Do không đồng ý nên Công ty Hợp Quốc kháng cáo bản án sơ thẩm.

Công ty cho biết, năm 2015 vay ngân hàng 7,5 tỷ đồng để chi trả việc mua máy móc. Ngày 11/4/2015, dự án lắp ráp hoàn thiện thiết bị máy móc và đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả. Sản phẩm gạch làm ra không đạt chất lượng và năng suất như cam kết. Ngày 25/12/2015, dự án phải dừng hoạt động. Công ty yêu cầu bên bán nhận lại thiết bị máy móc và bồi thường thiệt hại. Năm 2016, Công ty đã được bồi thường và hỗ trợ giá để mua thêm một số thiết bị công nghệ.

Năm 2016, công ty vay tiếp 2,1 tỷ đồng nhưng chỉ đủ chi trả một số thiết bị thay đổi và thiết bị phát sinh nên giá trị chênh lệch của các thiết bị chủ lực của dây chuyền mới công ty hạch toán theo hình thức công nợ. Các tài sản này không có biên bản kê biên thế chấp và định giá.

Theo công ty, các tài sản được thế chấp do ngân hàng cung cấp cho tòa sơ thẩm là không chính xác, không đầy đủ so với các tài sản hiện nay. Công ty có đầu tư thêm một số thiết bị và không nằm trong các hợp đồng thế chấp.

Công ty cho rằng khi có nguyên nhân khách quan không thanh toán được nợ vay, bên vay có thể đề nghị ngân hàng xem xét. Dự án hoạt động không hiệu quả do nguyên nhân khách quan là khoa học kỹ thuật chế tạo thiết bị công nghệ sản xuất gạch bê tông trên thế giới áp dụng cho gạch xây lỗ nhỏ của Việt Nam lần đầu được áp dụng nên xảy ra nhiều sự cố.

Trước khó khăn bất khả kháng, công ty không có khả năng trả nợ. Công ty nhiều lần đề nghị ngân hàng giãn nợ nhưng không được chấp nhận. Công ty mất khả năng thanh toán có phần lỗi của ngân hàng.

Công ty yêu cầu trả nợ gốc là 7,7 tỷ đồng và đề nghị giảm một phần nợ lãi và không tính lãi quá hạn.

Tòa án phúc thẩm không chấp nhận ý kiến trên của công ty. Theo tòa án, tại các hợp đồng thế chấp các bên thỏa thuận “phần tài sản tăng thêm do đầu tư cũng thuộc tài sản thế chấp… Trường hợp tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp, hai bên vẫn chưa tiến hành được việc định giá lại thì ngân hàng vẫn được xử lý gồm cả phần giá trị đã được đầu tư thêm”.

Vì vậy, tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tin bài liên quan