Quốc hội bắt đầu chất vấn, hơn 70 vấn đề cần "truy" trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp hơn 70 vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội.
Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội đã qua hai tuần làm việc.

Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội đã qua hai tuần làm việc.

Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém, điều hành giá điện, điều tiết, điều độ điện lực… đều nằm trong các vấn đề cần chất vấn.

Sáng nay (6/11), Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, kéo dài 2,5 ngày.

Ngày 5/1, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu báo cáo tổng hợp các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Theo đó, có hơn 70 vấn đề của 21 lĩnh vực được điểm danh. Lĩnh vực nhiều nhất gồm 5 vấn đề, ít nhất thì chỉ có 1.

Một trong các lĩnh vực được Tổng thư ký “gợi ý” 5 vấn đề là lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: nguồn lực đầu tư cho công tác văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; việc đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành thiết chế thể dục, thể thao các cấp; Văn hóa ứng xử và hành vi chuẩn mực văn hóa trong nhân dân, đặc biệt cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Lĩnh vực kiểm toán chỉ có việc tổ chức lựa chọn kiểm toán đối với các bộ, ngành, địa phương có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lớn liên quan đến chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin.

Tổng hợp từ các lĩnh vực còn lại cho thấy khá nhiều nội dung được phản ánh từ kiến nghị của cử tri, ý kiến đại biểu Quốc hội, cũng như báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Như, việc hoàn thiện chính sách thuế, mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế; việc ban hành chính sách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt; cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp (lĩnh vực tài chính).

Với lĩnh vực ngân hàng, ba vấn đề đều rất nóng, đó là việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.

Lĩnh vực công thương cần được chất vấn, theo Tổng thư ký Quốc hội là việc triển khai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh. Việc điều hành giá điện; công tác điều tiết, điều độ điện lực. Việc thực hiện Chương trình “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”.

Việc ban hành bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nguồn cung vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm, việc xử lý khó khăn, bất cập của các dự án BOT; thực hiện thu phí tự động không dừng, xử lý một số trạm thu phí, là hai trong 4 vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông.

Với lĩnh vực xây dựng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhà ở. Việc bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, là một trong 4 vấn đề báo cáo nêu.

Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác, báo cáo đề cập việc triển khai quy hoạch báo chí; việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí; vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa mạng xã hội. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Những bất cập trong việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa, vấn đề được tranh luận rất nhiều ở kỳ họp này, không nằm ngoài danh sách cần chất vấn.

Trong lĩnh vực nội vụ, vấn đề cần “truy trách nhiệm” là thực trạng việc tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, trách nhiệm trong xử lý công việc. Việc cải cách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.

Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện quy định mới về phòng cháy, chữa cháy nẳm trong nhóm vấn đề của lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trước khi tiến hành chất vấn, Quốc hội sẽ nghe đại diện Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Sau đó, đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn ngay.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian hỏi và trả lời chất vấn: thực hiện theo quy định tại Nội quy kỳ họp như thông lệ các kỳ họp vừa qua, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút, người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/câu hỏi, tranh luận không quá 2 phút cho mỗi lượt chất vấn.

Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào ngày 28/11/2023.

Tin bài liên quan