Quốc hội cần công cụ giám sát hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
Việc thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT chậm hai năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ cổ phần hoá cũng rất ì ạch..., nhưng không ai bị xem xét trách nhiệm.

Rõ ràng, Quốc hội cần có công cụ giám sát hiệu quả hơn nữa. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ vừa được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi xem xét báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ này của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có nhấn mạnh đến hạn chế là xử lý những tồn tại cũ chậm (12 đại dự án thua lỗ nhiều ngàn tỷ đồng), còn thực hiện các công trình mới (các công trình trọng điểm quốc gia) chưa nhanh. Đây đều là những vấn đề Ủy ban Kinh tế nắm rất sâu và đã lên tiếng khá nhiều lần, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tôi rất đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội. Cũng phải nhấn mạnh rằng, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt, nhiều văn bản, chỉ thị được ban hành để đốc thúc tiến độ công việc, nhưng kết quả trên thực tế, thì rõ ràng, rất nhiều thứ chậm trễ.

Chẳng hạn, việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ, Quốc hội liên tục nhắc nhở, đưa cả vào nghị quyết, nhưng vẫn chưa biết đến bao giờ mới xong. Rồi việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước, theo Nghị quyết của Quốc hội là phải hoàn thành từ năm 2018, nhưng đến giờ cũng chưa xong và vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành.

Báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phân tích, đánh giá việc các công trình trọng điểm giao thông triển khai chậm, chưa đáp ứng tiến độ mà Nghị quyết số 63/2018/QH13 đề ra.

Cụ thể là hiện nay, còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó đang triển khai thi công 12 dự án và đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai 12 dự án. Các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư bao gồm: một dự án là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi) và công tác triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm (Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...).

Còn nhiều ví dụ nữa cho thấy nhiệm kỳ này mới đang giải quyết tồn tại của nhiệm kỳ trước và làm một số phần việc chuyển giao, còn những cái mới chưa có gì đột phá.

Vậy theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là gì?

Nguyên nhân có rất nhiều, cả việc mới và việc cũ đều có những cái khó, như tôi đã nói ở trên là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt, nhiều văn bản, chỉ thị được ban hành, nhưng hiệu quả trên thực tế không như mong muốn, vậy phải chăng là vấn đề kỷ cương.

Nhiều vấn đề Quốc hội đã ra Nghị quyết, tổ chức thực hiện không hoàn thành cũng không ai bị xem xét trách nhiệm. Ví như, việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước, theo Nghị quyết của Quốc hội là phải hoàn thành từ năm 2018, nhưng đến giờ chưa xong và chưa rõ thời gian hoàn thành, nhưng có ai bị xử lý gì đâu. Hay vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể, nhưng giờ vẫn rất chậm.

Nói về triển khai thi hành luật thì trong nhiệm kỳ này, có đạo luật ban hành 4 năm rồi mà các cơ quan chức năng chưa triển khai thực hiện. Sau đó, Quốc hội phải có nghị quyết lùi thời gian thực hiện, làm thất thoát ngân sách vài ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều văn bản dưới luật không đi vào cuộc sống dẫn đến khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Vậy vấn đề ở đây chính là kỷ cương, chúng ta không quy kết được trách nhiệm đến từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Chính phủ luôn nhấn mạnh đến kỷ cương, nhưng kỷ cương không được thực hiện triệt để thì rõ ràng là chả có ai chịu trách nhiệm cả.

Là cơ quan giám sát, Quốc hội có trách nhiệm gì trong việc để xảy ra tình trạng kỷ cương không nghiêm?

Những chậm trễ trên Quốc hội từng chỉ ra và có Nghị quyết, qua từng lần giám sát đều yêu cầu cụ thể về tiến độ, nội dung công việc, có văn bản gửi Chính phủ, Quốc hội không làm thay Chính phủ được.

Tuy nhiên, Quốc hội có quyền xem xét trách nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nhưng việc này cần cụ thể hoá hơn ở nhiệm kỳ tới, để trong trường hợp Chính phủ không thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội, thì Quốc hội có giải pháp đủ mạnh để thực hiện quyền giám sát của mình.

Nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng đã lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng cả nhiệm kỳ chỉ tiến hành được một lần vào giữa nhiệm kỳ. Tôi cho rằng, nên thay đổi, nên đánh giá tín nhiệm hàng năm thì tốt hơn, vì theo quan sát của tôi, khi vừa lấy phiếu xong, thì công việc của một số lĩnh vực có tiến bộ rõ rệt hơn, nên nếu thay vì một nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần bằng một năm lấy phiếu tín nhiệm một lần thì tôi tin thực tế sẽ khác.

Bởi nếu hai lần lấy phiếu mà vị nào đó đều ở mức tín nhiệm thấp, thì Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm. Rõ ràng là nhiệm kỳ tới, Quốc hội phải tăng cường giám sát và cần phải đổi mới phương pháp, có công cụ đủ mạnh để việc giám sát hiệu lực, hiệu quả hơn, còn như hiện nay là chưa đủ mạnh.

Nhiệm kỳ tới, theo tôi, Quốc hội cần chủ động hơn trong xây dựng chính sách. Thay vì như hiện nay, đa số các dự luật vẫn chờ Chính phủ trình, thì tới đây, nên đặt vấn đề ngược lại là qua giám sát Quốc hội phát hiện vấn đề gì còn thiếu, thì yêu cầu Chính phủ phải trình để Quốc hội xem xét ban hành.

Tin bài liên quan