Quốc hội Indonesia phê chuẩn Hiệp định RCEP

0:00 / 0:00
0:00
Tại kỳ họp thứ 3, niên khóa quốc hội 2022-2023, Hội đồng đại biểu nhân dân Indonesia (DPR-tức Hạ viện) chính thức phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP.
Quốc hội Indonesia phê chuẩn Hiệp định RCEP

Thực thi Hiệp định RCEP sẽ giúp GDP tới năm 2040 của Indonesia tăng thêm 0,07%, tương ứng với 38.33 nghìn tỷ Rp (2,65 tỷ USD) và đầu tư FDI tăng 0,13%, tương ứng với 24.53 nghìn tỷ Rp (1,65 tỷ USD).

Xuất khẩu của nước này dự kiến tăng thêm 5,01 tỷ USD và thặng dự thương mại tăng thêm 979,3 triệu USD. Các thành viên của RCEP đều là những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước này khi chiếm tới 60% tổng giá trị xuất khẩu (132,6 tỷ USD); 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (32,6 tỷ USD) và 47% tổng FDI (18,82 tỷ USD) trong năm 2021.

Indonesia nhận định, thông qua RCEP, nước này sẽ có cơ hội mở rộng và và làm gia tăng chuỗi giá trị khu vực, các công ty xuất khẩu của Indonesia sẽ thu được giá trị lớn hơn từ các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia, giúp xóa bỏ nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ, các quy định về thương mại sẽ được đơn giản hóa và đảm bảo sự đồng nhất,

Nước này cũng kỳ vọng, hiệp định RCEP sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, ô tô, điện tử, thực phẩm và đồ uống, hóa chất và thiết bị máy móc tại 03 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực đối với kinh tế và xuất khẩu của Indonesia do hiệp định RCEP mạng lại, Indonesia cũng quan ngại tới hàng hóa nhập khẩu khi thực thi hiệp định. Các nhóm hàng được dự báo sẽ có sự gia tăng nhập khẩu bao gồm: thực phẩm chế biến; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại, hóa chất, cao su chế biến; sản phẩm nhựa và dệt may và theo các chuyên gia, cán cân thương mại của những nhóm hàng này dự báo sẽ thâm hụt trong những năm đầu thực hiện hiệp định RCEP.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ đầu năm nay góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Hiệp định RCEP còn tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là thành viên RCEP, tổng GDP thực tế của những nước này chiếm gần 30% GDP thế giới.

Mặc dù trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp, nhưng RCEP vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan.

Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác.

Tin bài liên quan