Quốc hội lo “sức khỏe” người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh phục hồi kinh tế, cần đặc biệt quan tâm “phục hồi” sức khỏe tinh thần cho người dân và doanh nghiệp, sau những tàn phá của đại dịch Covid-19.
Những tác động của dịch Covid-19 được Quốc hội đặt lên bàn thảo luận tổ. Ảnh: D.L

Những tác động của dịch Covid-19 được Quốc hội đặt lên bàn thảo luận tổ. Ảnh: D.L

“Chúng ta chưa từng bỏ rơi mục tiêu kép”

Chứng kiến sức mạnh tàn phá của đợt dịch Covid-19 thứ tư giữa hai kỳ họp của Quốc hội, ở những vị trí công tác khác nhau, góc nhìn cũng khác nhau, song các vị đại biểu của dân đều nêu những con số rất đáng lo ngại về “sức khỏe” của người dân và doanh nghiệp.

Đó là hơn 60% doanh nghiệp được hỏi trong một cuộc khảo sát tiến hành hồi tháng 9 cho biết, chỉ còn đủ tiền duy trì hoạt động dưới 3 tháng; hơn 60% doanh nghiệp khó khăn trong trả lương cho người lao động; 35% người lao động được hỏi cho biết chưa nhận được hỗ trợ gì từ Nhà nước...

Trong khi đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra con số giật mình, đó là thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), mà quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tức là, thu nhập của người lao động đã xuyên thủng “đáy” của 10 năm gần nhất.

Những con số đó và cả những tổn thất không thống kê được bằng con số, theo đại biểu và cả chuyên gia, nếu chính sách được thực hiện đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, nếu vắc-xin phòng Covid-19 không chậm như thế, nếu các gói hỗ trợ kịp thời hơn..., thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể.

Vì thế, dù đánh giá rất cao nỗ lực của cả Quốc hội và Chính phủ trong ban hành chính sách, trong chỉ đạo điều hành, đại biểu vẫn lo cho “sức khỏe” của cả doanh nghiệp và người dân, nếu thực thi vẫn là khâu yếu, như lâu nay.

“Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp quá rộng, quá dài, quá mức cần thiết trong phòng, chống dịch, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta đang phải trả giá bằng sự đi xuống của nền kinh tế”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhìn nhận.

Cùng các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ, cả Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đều nhắc đến ưu tiên chăm lo sức khoẻ cho người dân và doanh nghiệp.

Nói về mục tiêu và nhiệm vụ của năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, định hướng của Chính phủ là tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội để người dân không bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc. Đồng thời, dành thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp có thêm “sức khỏe”, điều kiện để sản xuất; gắn với đầu tư vào hạ tầng chiến lược, với các dự án trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải; cải cách và thủ tục hành chính đơn giản, không gây phiền hà và phức tạp cho nhân dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tại kỳ họp này, cử tri cả nước đang rất mong đợi 2 quyết sách quan trọng từ Quốc hội là tới đây phòng chống dịch thế nào, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ra sao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước khi họp Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã có nhiều hoạt động trao đổi tọa đàm, lắng nghe doanh nghiệp với mục tiêu tìm lời giải tốt nhất cho 2 câu hỏi trên. Tinh thần bao trùm là hết sức tránh nóng vội, chủ quan và đề phòng chuyện chuyển từ cực này sang cực khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Covid-19 chưa có tiền lệ, nên lúng túng, thiếu nhất quán là có thể chia sẻ được, quan trọng là rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Từ một số địa phương đang phục hồi sản xuất rất tốt như Bắc Ninh, Bắc Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói, ông có niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.

“Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và đạt được mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là năm 2022, phấn đấu tăng GDP 6 - 6,5%”, Chủ tịch nước bày tỏ.

Cũng nhắc đến mục tiêu này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến băn khoăn rằng, mức tăng trưởng đặt ra là 6 - 6,5% có cao quá không, trong khi GDP năm nay không đạt kế hoạch.

“Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân, nếu điều kiện thuận lợi, thì phấn đấu đạt cao hơn, còn tình huống bất ngờ như vừa rồi, thì kết quả đó thể hiện quyết tâm rất cao”, ông Định lý giải.

“Chúng ta chưa từng bỏ rơi mục tiêu kép”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định, chưa có văn bản nào nói “zero Covid”, vì thế, không nên nói là chuyển từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn.

Lo khủng hoảng tâm lý

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lo ngại: “Khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng tâm lý, nên có nghiên cứu kỹ vấn đề này, đừng nghĩ là thừa, 2.000 cháu mồ côi do Covid-19 không phải nhỏ”.

Đây cũng là nỗi lo của nhiều vị đại biểu khác. “Với 2.000 trẻ em mồ côi do Covid-19, cần phải có ứng xử cụ thể, điều kiện tiếp tục học cho các em là thế nào. Chúng ta lo chuyện đại sự, nhưng những câu chuyện cụ thể như thế cũng phải tính tới”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm.

Con số chính xác hơn được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cung cấp là do ảnh hưởng của Covid-19, đến nay, có 2.580 trẻ rơi vào tình trạng mồ côi. Trong đó, có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ thông tin với đại biểu: “Vừa qua, có những doanh nghiệp muốn thành lập cơ sở nuôi dưỡng riêng cho các em. Chúng tôi không khuyến khích cái này, bởi gia đình là tất cả đối với các cháu. Khi các cháu không còn bố mẹ, thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm của Nhà nước”.

Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội cũng thông tin thêm, thời gian qua, có một số tổ chức quốc tế đăng ký với Bộ trưởng xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ trưởng là khuyến khích hỗ trợ tiền, vật chất cho các cháu, chứ không đồng ý với việc tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu.

“Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu không còn cha mẹ, thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ các cháu ăn học”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đã có phương án cung cấp khoảng 200.000 lao động mới

Hồi âm lo lắng của đại biểu về sự xáo trộn của thị trường lao động sau khi hàng chục ngàn người rời TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp trong Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng, thị trường lao động sẽ điều tiết theo thị trường. Trước đây, không có dịch bệnh, hằng năm, sau Tết Nguyên đán vẫn thiếu khoảng 10% lao động. Năm nay, chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chỉ phục hồi sau Tết. Trong trường hợp căng thẳng, thì đã có cả phương án để có có thể cung cấp khoảng 200.000 lao động mới.

Tin bài liên quan