Quốc hội và áp lực đổi mới

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay, Quốc hội khoá XV bước vào tuần làm việc thứ hai, cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất.
Tổng Bí thư yêu cầu Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và hoàn thiện

Tổng Bí thư yêu cầu Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và hoàn thiện

Cũng trong ngày hôm nay, cử tri cả nước, qua truyền hình trực tiếp, sẽ chứng kiến lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Toà án Nhân dân tối cao.

Chức danh đầu tiên trong 4 chức danh theo Hiến định thực hiện tuyên thệ trước Quốc hội đã thực hiện nghi lễ này ngay từ ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sau khi toàn bộ nhân sự Quốc hội nhiệm kỳ mới được kiện toàn, ông cùng các Phó chủ tịch Quốc hội đã gặp mặt báo chí vào chiều muộn ngày 22/7.

Tại đây, áp lực đổi mới là điều được ông nhấn mạnh, với Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Thực ra, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động là yêu cầu luôn được đặt ra, không chỉ với mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, mà ở mỗi kỳ họp của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Ở Quốc hội khóa XIV, những tấm biển tranh luận giúp cho đại biểu có thể được lên tiếng không cần chờ thứ tự đăng ký đã giúp cơ quan đại biểu cao nhất của dân đến gần hơn một Quốc hội tranh luận, thay vì tham luận. Rồi quy định hỏi nhanh - đáp gọn (hỏi 1 phút, trả lời 3 phút) trong chất vấn cũng khiến nghị trường vơi bớt những diễn giải vòng vo hay tranh thủ trả lời chất vấn để “khoe” thành tích của một số vị được chọn vào “ghế nóng”. Nhưng đó cũng chỉ là số ít trong nhiều bước tiến mới của Quốc hội.

Bước sang nhiệm kỳ này, Quốc hội khóa XV đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ khi dịch Covid-19 đã và đang bào mòn cuộc sống người dân, bởi phải đến giữa năm 2022, Việt Nam mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khi tiêm đủ vắc-xin cho ít nhất 70% dân số.

Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025 là chặng đầu tiên vô cùng quan trọng trong hành trình hiện thực hóa khát vọng đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, mỗi vị đại biểu Quốc hội hẳn không thể không có ít nhiều áp lực: Áp lực tự đổi mới, tự hoàn thiện.

Bởi chỉ có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thì mỗi vị đại biểu dân cử mới có thể "hiến kế giúp Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp.

Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những thành tựu mà Quốc hội nước ta đạt được trong 75 năm qua là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Với Quốc hội khóa XV, yêu cầu của Tổng Bí thư là tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Nhắc lại yêu cầu “Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và hoàn thiện” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội khóa XV duy trì được những thành quả của các khóa trước đã khó rồi, tiến thêm bước nữa cũng rất khó khăn, bởi những thành tựu, nền móng Quốc hội nhiệm kỳ này được tiếp thu là quá lớn.

Dù thế, áp lực đổi mới là có thật. Ngay từ những phiên thảo luận đầu tiên của kỳ họp này, có những đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội đã lên tiếng rằng, để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, không nên lấy lý do bận chống dịch để trì hoãn việc hoàn thiện thể chế. Lý do là có những vấn đề rất mới trong thực tiễn; nếu cán bộ thực thi trong thời điểm khó khăn thì được cho là mạnh dạn, đến lúc nào đó xem lại thì lại quy là vi phạm.

Đại biểu Quốc hội là trung tâm của hoạt động Quốc hội, nhưng tạo “áp lực” để mỗi đại biểu tự đổi mới và tạo không gian đủ rộng cho những đổi mới ấy, thì vai trò của Chủ tịch Quốc hội rất quan trọng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu nhậm chức hơn 1.300 chữ của ông, cụm từ “đổi mới” được nhắc đến 6 lần.

Với mục tiêu tối thượng của sự đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, có lẽ áp lực của đổi mới cũng sẽ tạo động lực với mỗi đại biểu trên hành trình thực hiện đầy đủ những lời đã hứa với cử tri.

Tin bài liên quan