Khách hàng đổ xăng tại một trạmtrên đường Lê Thánh Tôn (TP HCM).

Khách hàng đổ xăng tại một trạmtrên đường Lê Thánh Tôn (TP HCM).

Quỹ bình ổn xăng dầu: Doanh nghiệp đòi bỏ, nhà điều hành muốn giữ

Các doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang khiến người tiêu dùng thiệt hơn là lợi nên đề xuất bỏ.

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội tuần này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối thực chất là "khoản thu trước của người dân, doanh nghiệp". Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

"Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng một lít theo Nghị định 83 để tạo quỹ gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá gây ra lạm phát kỳ vọng", ông Hải nói.

Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn không phải lần đầu tiên được nhắc tới. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhiều lần kiến nghị các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này. Trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4, Hiệp hội này lập luận, việc trích lập Quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. "Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới". 

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, số dư Quỹ này cuối năm 2018 là hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng đã được chi rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Hết quý I, Quỹ bình ổn âm gần 621 tỷ đồng, và quý II âm xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Việc đều hành Quỹ bình ổn gần đây bị các chuyên gia chê "còn giật cục, lạm chi", khiến giá xăng dầu trong nước nhiều lúc lạc nhịp với thế giới. 

Có thời điểm Quỹ bình ổn đã được xả ở mức cao chưa từng có, như kỳ điều hành ngày 18/3. Thời điểm đó viện lý do "nhường cho giá điện tăng vào 20/3", nhà điều hành đã xả Quỹ bình ổn ở mức kỷ lục để bù chênh lệch với giá cơ sở, hơn 2.800 đồng một lít xăng E5 RON 92 và trên 2.600 đồng một lít với RON 95. Các mặt hàng dầu cũng được Quỹ này "gánh" 1.340-1.640 đồng một lít, tùy mặt hàng.

Ngày 17/6, mức trích quỹ với RON 95 lên tới 900 đồng mỗi lít, khiến giá loại xăng này trong nước đáng lẽ giảm được gần 2.000 đồng thì chỉ giảm được 1.085 đồng một lít.

Tuy nhiên, hai tháng gần đây giá thế giới đi xuống, giá trong nước lại giảm rất ít do Quỹ bình ổn đã âm và nhà điều hành phải tăng trích quỹ để bù lại số âm trước đó. Mức trích quỹ bình ổn theo đó cũng không còn tuân theo quy định 300 đồng một lít. Liên tiếp các kỳ điều hành từ giữa tháng 7 đến nay, mức trích Quỹ với mặt hàng xăng RON 95 được duy trì ở 500 đồng một lít, E5 RON 92 là 100 đồng. 

Xả Quỹ bình ổn quá lớn ở thời điểm không phù hợp, theo phân tích của Đoàn giám sát Quốc hội, dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh hoặc vay ngân hàng để bù quỹ. Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm khoảng 240 tỷ đồng, PVOIL âm hơn 620 tỷ trước khi điều chỉnh giá xăng ngày 17/4...

Để bù số này, đã có những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải vay ngân hàng và chịu lãi suất từ 8-10% để xử lý vấn đề này. Thực tế này dẫn tới việc doanh nghiệp tìm cách né để không phải "tự cắt thịt mình" khi duy trì bán hàng. Hiện tượng một số cây xăng ở Hà Nội treo biển "hết hàng để bán" trong những ngày đầu tháng 4 là một ví dụ về hệ luỵ này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu phân tích, thực tế cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp, khi giá cơ sở dựa trên giá CIF trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường. Trong khi đó, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã thực hiện nghiệp vụ hedging, tức cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm. "Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông nói.

Về phía nhà điều hành, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải từng nhiều lần khẳng định, hiện Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng.

"Tôi cũng mong không còn quỹ bình ổn xăng dầu nữa, nhưng hiện quỹ này vẫn phù hợp. Khi nào thấy không còn phù hợp thì sẽ ngừng sử dụng quỹ này", ông Hải bày tỏ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thì cho biết đã nhiều lần trình Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông, hiện xăng dầu sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 80% nhu cầu, còn 20% là nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất phần lớn nhập khẩu. Do đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới với trong nước vẫn rất lớn. Cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ông Dũng nói vẫn cần Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh cú sốc cho thị trường.

"Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì khi đó sẽ không cần quỹ nữa. Còn nếu theo cơ chế hiện nay thì vẫn cần thiết", ông Dũng khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trước mắt vẫn nên giữ Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng cách điều hành quỹ cần cải tiến chứ không phải như vừa qua là mang tính "triệt tiêu" sự biến động thị trường.

Tin bài liên quan