Mô hình tam giác trong kiến tạo thể chế minh bạch, đồng hành cùng cải cách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mở ra rất nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển bứt phá cho doanh nghiệp tư nhân, song thực thi Nghị quyết 68 một cách hiệu quả đòi hỏi sự nhập cuộc chủ động và quyết của các bên có liên quan.

Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn “Vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 16/7.

Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng biên tập Reatimes cho hay, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình, của sự thịnh vượng và hùng cường.

Khát vọng đó được cụ thể hóa qua “bộ tứ trụ cột” gồm bốn nghị quyết then chốt của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57, 59, 66 và 68) với quyết tâm cải cách thể chế toàn diện, xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân, vì doanh nghiệp, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Trên cơ sở đó, yêu cầu, định hướng và giải pháp phát huy vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng, thực thi chính sách hiệu quả là đặc biệt quan trọng. Cải cách thể chế từ góc nhìn đa chiều đòi hỏi phải nhìn nhận vai trò của từng chủ thể một cách toàn diện và có tính tương tác.

Ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng biên tập Reatimes

Ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng biên tập Reatimes

Trong hệ sinh thái đó, ông Toan cho rằng, các hiệp hội đóng vai trò cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp thực tế với cơ quan quản lý nhà nước; Doanh nghiệp, với tư cách là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ chính sách, cần chủ động cung cấp các phản hồi về tính khả thi và hiệu quả của chính sách, nhất là trong quá trình hoàn thiện thể chế, sửa đổi đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật; Các cơ quan quan báo chí đóng vai trò giám sát, phản biện chính sách và truyền tải những chủ trương, chính sách mới.

"Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên không chỉ là yêu cầu khách quan, mà còn góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia", ông Toan nêu rõ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch GP - Invest cho hay, mô hình tam giác phối hợp giữa báo chí - doanh nghiệp - hiệp hội là một cách tiếp cận rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh chúng ta đang hoàn thiện hệ thống luật pháp để thể chế hóa các Nghị quyết, nổi bật là Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân thì vai trò của các bên liên quan là điều vô cùng cần thiết.

Thông qua hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp mới là nền tảng của tiếng nói góp ý, phản biện của hiệp hội cũng như cầu nối thông tin của cơ quan báo chí truyền thông tới cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội có vai trò rất lớn, nhưng vấn đề nằm ở việc cũng cần phải có sự chủ động của các doanh nghiệp.

Một thực tiễn trước đây, có rất ít doanh nghiệp dám phát biểu, lên tiếng, kể cả những doanh nghiệp tên tuổi, quy mô lớn cũng không dám lên tiếng, không dám đề cập những vấn đề cốt lõi.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, Chủ tịch GP - Invest

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, Chủ tịch GP - Invest

"Nếu mình không lên tiếng, không phản ánh thì các cơ quan trung ương, chính quyền làm sao biết được", ông Hiệp nói và lấy ví dụ như vấn đề thanh tra, kiểm tra. Kể lại một cuộc họp với Thủ tướng cách đây không lâu khi chia sẻ về Nghị quyết 68, dù rất ủng hộ với tinh thần của Nghị quyết đối với vấn đề thanh tra, kiểm tra khi đưa ra quy định 1 năm chỉ thanh kiểm tra 1 lần đối với 1 doanh nghiệp, nhưng ông Hiệp vẫn phải đặt lại câu hỏi cơ quan nào sẽ điều phối việc thanh tra, kiểm tra.

Bởi nếu không làm rõ thì câu chuyện mỗi cơ quan liên quan đều có lý khi cho rằng kiểm tra của mình cũng chỉ 1 lần/năm, và như vậy lại trái với tinh thần mà Nghị quyết mong muốn giảm thiểu các vấn đề phiền hà cho doanh nghiệp.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, nhận định, mục tiêu của chính sách hay pháp luật là điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực để đón nhận, thực thi, thì dù chính sách ban hành tốt đến đâu, hành vi doanh nghiệp vẫn có thể đi lệch mục tiêu quản lý, dẫn đến việc doanh nghiệp cảm thấy nặng nề khi thực thi chính sách.

Do đó, để chính sách đi vào cuộc sống, chính doanh nghiệp cần hiểu rõ và chủ động thích ứng. Theo ông Cường, có 2 yếu tố để doanh nghiệp hiểu. Một là doanh nghiệp đủ năng lực để tự hiểu được các chính sách và thực thi đúng. Hai là nếu doanh nghiệp chưa hiểu, các hiệp hội ngành nghề phải phát huy vai trò của mình, phải nghiên cứu, giải thích, truyền đạt chính sách để giúp doanh nghiệp hiểu chính sách, thông qua đó, nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra sự phản hồi có trách nhiệm từ cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng chính sách tới cơ quan quản lý.

Theo TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, tinh thần của Nghị quyết 68 là giảm phiền hà và chi phí tuân thủ, chứ không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các bên, trong đó đối với hiệp hội, ý kiến, phát hiện, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp về bất cập thể chế là rất quan trọng.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội

"Làm thế nào để cơ quan có thẩm quyền biết được đâu là những vướng mắc thực sự chứ không phải vướng mắc râu ria để có sự điều chỉnh chính sách và ai làm được việc này? Theo tôi, không ai khác ngoài hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, tôi nhấn mạnh đến vai trò của hiệp hội, bên cạnh vai trò của từng doanh nghiệp" ông Hiếu nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn hết sức đặc biệt, đó là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết quan trọng (Nghị quyết 57, 59, 66 và 68). Điều này cho thấy quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước trong việc đưa đất nước tăng trưởng bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cho thấy việc đổi mới tư duy kịp thời trong việc xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất đối với tăng trưởng, đội quân tiên phong trên mọi mặt trận.

Với một tư duy mới mang tính cách mạng, chuyển mạnh từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển, trong bối cảnh đó, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội với vai trò cầu nối có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp, nhất là lực lượng pháp chế doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông cần tham gia tích cực, đầy đủ, đóng góp ý kiến với các chính sách của Chính phủ.

Tin bài liên quan