Quỹ Bông Sen cam kết mua hết cổ phiếu TRA nếu “ế”

Quỹ Bông Sen cam kết mua hết cổ phiếu TRA nếu “ế”

(ĐTCK) TRA tăng giá cổ phiếu phát hành thêm lên gấp đôi, nhưng theo đại diện Công ty Quản lý Quỹ Bông Sen, mức giá này vẫn thấp hơn rất nhiều giá hiện tại trên sàn. Vì vậy, nếu NĐT nào từ chối mua, tổ chức này sẽ mua hết.

Tại ĐHCĐ CTCP Traphaco (TRA) hôm 29/3, sau khi nhận được đề xuất của Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ đông sở hữu 35,6% cổ phần, HĐQT Công ty bất ngờ trình cổ đông phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với mức giá 20.000 đồng/CP, thay vì 10.000 đồng/CP như phương án ban đầu.

Bất ngờ hơn nữa là các cổ đông đã đồng thuận cao với phương án giá phát hành mới này. Thậm chí, một số cổ đông còn đề nghị HĐQT tăng lượng cổ phiếu phát hành, để cổ đông có cơ hội nắm giữ nhiều hơn với giá ưu đãi và Công ty cũng có nguồn vốn dư dả để đầu tư kinh doanh.

Quỹ Bông Sen cam kết mua hết cổ phiếu TRA nếu “ế” ảnh 1

TRA thông qua phương án phát hành CP cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 20.000 đồng/CP

Đại diện cổ đông Công ty Quản lý Quỹ Bông Sen (Lotus Investment Management), ông Nguyễn Đức Tài phát biểu, dù giá phát hành đã tăng lên gấp đôi so với phương án cũ, thì vẫn thấp hơn thị giá của cổ phiếu hiện tại rất nhiều (đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/3, cổ phiếu TRA ở mức 130.000 đồng/CP). Thậm chí, ông Tài còn khẳng định: “Nếu cổ đông nào từ chối mua cổ phiếu TRA trong đợt chào bán tới, chúng tôi sẽ cam kết mua lại toàn bộ”.

Trước ý kiến của cổ đông, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT TRA chia sẻ, việc phát hành cổ phiếu mới là một cách tri ân với cổ đông. Một số ý kiến đề xuất TRA phát hành nhiều hơn so với tờ trình nhưng bà Thuận cho biết, TRA muốn những đồng vốn tăng thêm phải phục vụ những kế hoạch kinh doanh cụ thể của Công ty, mang lại hiệu quả thực sự, tạo được giá trị gia tăng cho mỗi cổ đông.

Theo ông Lê Tuấn, Thành viên HĐQT Công ty (đại diện cổ đông Mekong Capital), năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp TRA đạt mức tăng trưởng cao nhất về doanh thu và lợi nhuận trong các DN dược niêm yết trên TTCK. Với 112,39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù không đạt mức kế hoạch, nhưng TRA vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 31% so với năm 2011.

Trước ý kiến của cổ đông cho rằng, TRA cần cắt giảm các chi phí như chi phí quản lý DN, chi phí bán hàng, để gia tăng lợi nhuận, ông Tuấn khẳng định, mức chi phí bán hàng 266 tỷ đồng trong năm 2012 (chiếm 19% doanh thu) dù có cao hơn trước và cao hơn các DN dược nhóm 2,  nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng chung của các DN trong ngành có cùng quy mô về doanh thu và lợi nhuận. Việc tăng chi phí này chủ yếu là do trong năm, TRA đưa ra thị trường một số sản phẩm mới.

Về chi phí quản lý DN tăng cao (gần 111 tỷ đồng, chiếm 7,9% doanh thu), TRA cũng lý giải là do trong năm 2012, TRA thực hiện nhiều hoạt động mở rộng quy mô như mở thêm 4 chi nhánh, hợp nhất hoạt động quản trị ở các công ty con (ở Đắc Lắc, Quảng Trị), nâng sở hữu tại CNC Traphaco.